Nghĩ về đạo đức - gia phong

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa Việt Nam là tích hợp giá trị tinh hoa từ đạo đức gia phong truyền thống của trăm họ muôn nhà, vì vậy lớp lớp con cháu Vua Hùng xưa nay đều quan niệm người có đạo đức, nước có luật pháp, nhà có gia phong.

Gia phong vun đắp đạo đức, văn hóa từng cá nhân, gia đình, dòng họ và xã hội. Ảnh Công Hùng
Gia phong vun đắp đạo đức, văn hóa từng cá nhân, gia đình, dòng họ và xã hội. Ảnh Công Hùng

Có “tâm” mới có “đức”

Về nguồn gốc, từ “đạo đức” là 100% Hán Nôm, trong kho từ tiếng Việt nó là từ ghép đẳng lập, mang hai nét nghĩa truyền thống, một là “đạo”: Đường đi, lối đi, cách sống, cách ăn ở; hai là “đạo”: Mức độ hiểu đạo hành đạo, mức độ hiện diện của đạo trong hành vi ứng xử của con người. Sách xưa chiết tự cho biết, “đức” gốc Hán Nôm hợp từ ba bộ: Sách (bước đi, hành động), Trực (ngay thẳng, chính trực), Tâm (suy tư, ý nghĩ, tư duy). Hán Nôm có mấy cách viết khác nhau, song các cách viết đều chọn chữ “tâm” làm nền của “đức”, qua cấu tạo chữ nghĩa chứng tỏ có “tâm” mới có “đức”, “tâm đức” hữu cơ và luôn là tiêu chuẩn được chọn để đánh giá hành vi của con người trong mọi quan hệ xã hội.

Cách hiểu truyền thống của người Việt, “đức” luôn gần gũi gắn với khái niệm tốt - xấu, đúng - sai; “đức” là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình, là thực hành của từng cá nhân về lối sống, đường ăn nếp ở, ứng xử đúng đắn, chuẩn mực, từ đó góp phần tạo nên sự đúng đắn, chuẩn mực của gia đình, dòng tộc, cộng đồng xã hội. Khái niệm “đạo đức” luôn gắn với các chuẩn tắc chuẩn mực và dùng làm căn cứ để đánh giá, xác định mức độ tốt - xấu, đúng - sai của hành vi từng người.

Người Việt đúc kết câu cửa miệng “có đức mặc sức mà ăn”, sách xưa cũng chép: “Tiên tích đức, hậu tầm long” (trước phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến giàu sang phú quý). Đạo đức văn hoá của cá nhân - gia đình luôn làm rạng rỡ gia phong truyền thống.

Gia phong - một sản phẩm đạo đức

Văn hóa dân gian truyền thống xuất hiện từ đời sống người Việt dưới thời phong kiến. Bong ke “văn hóa thần quyền” án ngự xã hội phong kiến phương Đông hàng chục thế kỷ, nó vẫn coi đức trị cao hơn pháp trị, chứng tỏ các “thiên tử” - con trời coi đức trị quan trọng đối với sự tồn tại phát triển không chỉ với các vương triều, mà còn đối với mọi cá nhân - gia đình - dòng tộc phương Đông.

Gia phong là giá trị mở, trong quá trình vận hành nó được các thế hệ người Việt thanh lọc, bổ sung, tôn đắp, phát huy. Từ trong đời sống xã hội phong kiến Đại Việt, vị trưởng tộc là đồng chủ thể của gia đình, họ tộc, là thành viên trị sự điều hành công việc của làng, bản. Các tiêu chuẩn giá trị đạo đức truyền thống đương nhiên được cộng đồng chọn làm thước chuẩn để đánh giá mức độ ảnh hưởng của cá nhân vị tộc trưởng ấy trong mối tương tác với tập thể cộng đồng nơi vị ấy làm việc, sinh sống.

Gia phong có liên quan với kinh tế - chính trị nhưng nền tảng vẫn là đạo đức văn hoá truyền thống. Gia phong truyền thống gắn với gia huấn, gia lễ, gia đạo, gia phạm, gia pháp... Tiêu điểm gia phong truyền thống hướng đến là tu nhân tích đức, làm điều lành tránh điều ác, cha mẹ ăn ở hiền lành tích phúc tích đức cho đời sau.

Đại bộ phận người Việt có tuổi thơ gắn với gia đinh họ tộc, truyền thống thờ tổ tiên, ông bà. Quan hệ giữa cá nhân người Việt với gia đình - gia tộc - làng xã luôn gắn bó với các định chế thúc ước, các mối quan hệ này là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ. Đến khi lớn lên họ hiếu thảo, hiếu đễ, kính trưởng, nhường huynh, ai cũng hiểu cũng biết cương vị của mình, từ đó tâm thành tâm nguyện gắn trách nhiệm của mình với gia đình - gia tộc - làng xã, rộng hơn là gắn bó mật thiết với quê hương - đất nước.

Cha mẹ hiền lành con mới hiếu thuận, vợ chồng thuận hòa con cái được lợi. Người già từ bi tích đức cho con cháu. Các gia đình tốt đều có gia phong tốt. Gia phong tốt là kết quả “rễ sâu gốc vững” của tập hợp giá trị nổi trội tử tế, cần kiệm, liêm khiết, hòa thuận, thận trọng, trung thành, hiếu thảo… Để có được chuỗi giá trị gia phong tốt phải bằng miệng nói tay làm của mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc; các thế hệ con cháu hiểu được đạo làm con, hiếu kính cha mẹ, biết hiếu thuận kính trọng, tu thân tích đức thì nhà dù nghèo khó vẫn tôn đắp thành công gia phong, tạo tiếng thơm là nhà có phúc.

Gia phong vun đắp đạo đức văn hóa cho từng cá nhân, từng dòng họ, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt. Giá trị thực tiễn của gia phong đóng vai trò nền tảng trong dòng lớn văn hóa Việt. Chính trên mảnh đất gia phong màu mỡ đã sản sinh bao anh hùng, danh sĩ, kẻ sĩ và nhiều dòng họ nổi tiếng đã đóng góp cho đất nước những nhân cách lớn sống mãi với non sông Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần