Xếp hàng chờ thưởng thức
Có hơn 23.000 cửa hàng tại 64 quốc gia, trong đó tại Việt Nam có 8 cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Khi tấn công ra thị trường Hà Nội, Starbucks quyết định lựa chọn 3 vị trí cực đắc địa trên 3 con phố "vàng" là Lý Thái Tổ, Bà Triệu và Hàng Bài.
Sau lễ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội (ngày 23/7), đến nay vẫn tiếp diễn cảnh người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng Starbucks để được nếm thử mùi vị của hãng đồ uống nổi tiếng thế giới này. Giá bán cho một cốc Starbucks khá cao, từ 55.000 - 150.000 đồng. Có thể thấy, chính sức hút thương hiệu, sự tò mò của khách hàng đã làm nên sự đình đám của Starbucks tại Việt Nam. Khách hàng của Starbucks hiện nay đa phần là các bạn trẻ, kể cả học sinh trung học.
Starbucks mới mở tại Hà Nội đã “hút'” rất nhiều bạn trẻ.
|
Một bạn trẻ tên Đặng Thu Lan (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Em thấy nhiều bạn trẻ thích theo trào lưu, nên thường chụp ảnh đưa lên Facebook, với status "Chúng tôi đã đến Starbucks" hay "Cuối cùng thì cũng biết Starbucks như thế nào". Vì tò mò muốn thưởng thức loại cà phê mới nên em chấp nhận xếp hàng". Bên cạnh Lan là đôi bạn trẻ dù phải xếp hàng khá lâu nhưng tỏ ra khá háo hức: "Thương hiệu cà phê này đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới nhưng ở Hà Nội thì mới là lần đầu tiên...".
Bài học từ các thương hiệu lớn
Sức tiêu thụ tiềm năng của một thị trường khoảng 90 triệu dân cùng với thói quen dùng cà phê và trà trong ngày tăng lên đã tăng sức hấp dẫn của thị trường đồ uống tại Việt Nam... Giữa năm 2011, Jollibee Foods - tập đoàn cung cấp các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Philippines đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Việt Thái - doanh nghiệp (DN) sở hữu hơn 60 quán cà phê Highlands Coffee trên toàn quốc và Nhà hàng 5 sao 1911 tại Hà Nội. Không lâu sau đó, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đã thâu tóm Công ty Cà phê Biên Hòa (Vinacafé) - một thương hiệu mạnh khác trong lĩnh vực cà phê nội địa. Việc nắm đa số cổ phiếu của Vinacafé thể hiện quyết tâm giành quyền chi phối và toan tính cho những bước đi xa hơn trong lĩnh vực cà phê chế biến của Masan.
Thế nhưng, lợi thế của một quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới cũng như quyết tâm chiếm lĩnh sân nhà của DN Việt là chưa đủ. Trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê, ngoài Starbucks, hàng loạt tên tuổi lớn của nước ngoài đã dần xuất hiện ngày một dày đặc tại Việt Nam như The Coffee Bean & Tea Leaf, Passio, Gloria Jean's Coffees, Illy's… Giá bán sản phẩm của những thương hiệu này khá cao so với những thương hiệu cà phê Việt nhưng vẫn được khách hàng lựa chọn nhờ phong cách chuyên nghiệp. Bà Patricia Marques - Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam nhấn mạnh, đối tác đặc biệt của thương hiệu này là những người đứng phía sau quầy bar (nhân viên pha chế). Họ sẽ là những người làm nên điều khác biệt và giúp cho Starbucks "hơn cả cà phê". Cửa hàng tuyên bố phục vụ 87.000 loại đồ uống kết hợp khác nhau và bất kỳ nhân viên pha chế nào cũng có thể tạo ra một loại trong số đó mà không hề lúng túng.
Một chuyên gia ngành cà phê nhận xét: Không phải là do cà phê nguyên chất hay không nguyên chất mà là do 2 phương thức chế biến hoàn toàn khác nhau. Người Việt Nam thường thích thưởng thức cà phê theo kiểu pha phin nên cho ra vị rất đậm nhưng rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu pha chế công nghiệp (do cà phê pha xong không uống ngay sẽ bị chua), còn Starbucks thì pha theo kiểu Âu Mỹ bằng cách cho hơi nước với áp suất rất cao phun qua bột cà phê, thành phẩm sẽ rất thơm do tinh dầu cà phê chảy ra gần hết, nhưng vị lại nhạt và chua hơn cà phê pha phin rất nhiều.
Bên cạnh đó, các thương hiệu nước ngoài rất quan tâm đến marketing, khung cảnh, không gian (chỉ chọn mở cửa hàng ở những điểm có mặt tiền đẹp, trung tâm), trang trí nội thất có phong cách riêng nên luôn được nhóm người tiêu dùng trung lưu, giới văn phòng, giới trẻ ưa thích.
Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, chủ yếu dành cho xuất khẩu. Gần đây, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rào cản thương mại nên các DN đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Hội nhập quốc tế, chắc chắn DN Việt sẽ phải cạnh tranh với nhiều DN đến từ nước ngoài. Chính vì thế, bài học trong cách làm thị trường từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới rất cần được các DN trong nước quan tâm để khẳng định mình mạnh mẽ hơn, giành lại chỗ đứng ngay trên sân nhà.
"Khi bán một cân cà phê nhân, chúng ta thu được khoảng 2USD, tương đương với giá trung bình của một ly cà phê ở nước ngoài, trong khi một cân cà phê có thể pha được 50 ly! Ngoài nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa còn giúp cho DN xuất khẩu cà phê nhân có thế mạnh hơn khi đàm phán với đối tác nước ngoài." Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) |