Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý đồng vốn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phân bổ giải ngân vốn chậm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, đó là vấn đề được đề cập đến nhiều trong trong phiên chất vấn ngày hôm qua.

Bởi trong khi nhiều DN khát vốn, nhiều ngành, địa phương thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển; nhiều dự án, công trình chậm triển khai hoặc thi công dang dở vì thiếu vốn thì lại đang xảy ra nghịch lý rất nhiều bộ, ngành, địa phương có tiền nhưng giải ngân rất chậm. Vì thế, không chỉ hỏi và đáp, mà các đại biểu liên tục ấn nút tranh luận, mong muốn phân tích rõ tình hình, chỉ ra được hướng giải pháp.
 Ảnh minh họa
Con số được đưa ra trước Quốc hội cho thấy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn 5 tháng cuối năm 2016 gấp 7 lần so với 7 tháng đầu năm. Còn 5 tháng đầu năm 2017, tốc độ giải ngân vốn cũng tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, kết quả này vẫn bị đánh giá là chậm. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, "ta có tiền mà không tiêu hết được là một trong các nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt".
Phân tích ra thì có nhiều nguyên nhân, có cả tình trạng bộ, ngành cái gì cũng muốn đầu tư nên cắt giảm rất khó theo chỉ đạo. Phân công phân cấp chưa hợp lý, có tình trạng một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, cũng to nên phân cấp cho địa phương chưa đầy đủ. Rồi chuyện phối hợp bộ ngành và địa phương còn yếu kém và là nguyên nhân không thể chối cãi… Luật Đầu tư công khi đi vào cuộc sống đã góp phần giảm đầu tư dàn trải, với quy trình chọn lựa, phê duyệt và thẩm định dự án chặt chẽ hơn, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận, dù đã có luật nhưng trong thực hiện vẫn còn những dự án đang được bố trí vốn không tập trung. Nguyên do là nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng khả năng thu xếp vốn thấp hơn. Rồi do mới là năm đầu tiên thực hiện luật, dù các bước đã chặt chẽ hơn, song việc thực hiện thủ tục của các bộ ngành, địa phương vẫn còn lúng túng.
Tuy những lý do người đứng đầu ngành KH&ĐT đã chỉ ra dường như vẫn chưa làm hài lòng các ĐB bởi vẫn chưa rõ trách nhiệm. Như nhiều ý kiến đã phân tích, một số bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư công. Vẫn còn có việc chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công... Mặc dù Luật Đầu tư công đã tạo một bước tiến lớn trong việc siết chặt hiệu quả đầu tư công cũng như tiến tới chấm dứt cơ chế xin - cho, nhưng trong thực tế, trong nhiều trường hợp việc xin chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vẫn chưa thực sự xuất phát từ hiệu quả kinh tế. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy, triển khai dự án trước khi có quyết định đầu tư. Vì nhiều lý do khác nhau khi dự án không suôn sẻ, hiệu quả kinh tế không thực sự rõ ràng, năng lực của cơ quan thực hiện không xứng tầm dự án có thể bị đình trệ ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, khắc phục tình trạng nhiều công trình xây dựng cơ bản đang dở dang chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành để đưa vào sử dụng, và có nguy cơ gây ra lãng phí thất thoát lớn đối với nền kinh tế, nhiều lời hứa đã được đưa ra trước Quốc hội. Từ việc tiếp tục triển khai đồng bộ tái cơ cấu đầu tư, nghiêm túc từ khâu chọn lọc, thẩm định, phê duyệt dự án, đến hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức về xây dựng, đảm bảo từ đầu tư, bố trí vốn phù hợp… Nhưng như ĐB phân tích, câu chuyện đầu tư công gắn liền với nợ công luôn được Chính phủ và cả xã hội quan tâm. Hy vọng với sự quyết liệt của Chính phủ cả trong chuyện “đồng ý tiêu tiền” lẫn giám sát tiêu sao cho hiệu quả, trong thời gian tới những đồng vốn đầu tư công sẽ đến đúng địa chỉ cần nhất để đem lại lợi ích cao nhất cho toàn xã hội.