Nghịch lý mạng lưới giết mổ động vật: hiện đại bỏ không, thô sơ tấp nập

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khi các cơ sở giết mổ tập trung lại hoạt động cầm chừng.

Đây là những thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Những tồn tại bất cập về chính sách phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp trong chăn nuôi ở Việt Nam”, do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, ngày 28/6.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Cơ sở giết mổ công nghiệp thoi thóp hoạt động

Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023 đưa ra mục tiêu phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước mới có 345 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đáng báo động là số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn tới 24.654 cơ sở. Các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Điều đáng nói là số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngừng hoạt động, hoặc cầm chừng.

Chia sẻ những khó khăn thực tế, Giám đốc Nhà máy giết mổ lợn CP tại Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) Kiều Đình Thép cho biết, mặc dù nhà máy giết mổ lợn của công ty cổ tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa được trang bị những dây chuyền máy móc hiện đại, xây dựng trên diện tích đất 6ha, công suất giết mổ 2.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mới chỉ giết mổ vài trăm con lợn/ngày, quá thấp so với công suất thiết kế.

Nguyên nhân là do hiện nay, giết mổ nhỏ lẻ còn rất nhiều, nên các nhà máy giết mổ hiện đại rất khó cạnh tranh về chi phí giết mổ (nếu chi phí giết mổ tại nhà máy lên đến 4.500 đồng/kg thịt lợn, nhưng giết mổ nhỏ lẻ chỉ mất khoảng 700 đồng/kg thịt lợn. Do đó, đầu ra sản phẩm thịt của nhà máy chủ yếu cung cấp cho các siêu thị và các cửa hàng tiện ích…

Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung chỉ đạt công suất 20-30%.
Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung chỉ đạt công suất 20-30%.

Nói về nguyên nhân về các nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động cầm chừng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Theo Nguyễn Ngọc Sơn nhìn nhận, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập về chính sách. Theo đó, quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ hoạt động không phép, vi phạm quy định. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động giết mổ. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ (trên 50%) – hệ lụy là giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi hệ thống pháp luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung không phù hợp, thiếu hiệu quả; thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp; Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Đặc biệt, tập quán thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng thịt nóng, không sử dụng thịt cấp đông, dùng gà thịt để cúng lễ ngày lễ, ngày tết... Quá nhiều chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, các ngõ ngách bán động vật và sản phẩm động vật không kiểm soát được.

Giám sát chặt sản phẩm đầu vào tại các chợ, siêu thị

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để quản lý hiệu quả hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giết mổ, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ. Quy hoạch lại “mạng lưới cơ sở giết mổ”, tập trung vào các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương.

Đồng thời, có chính sách đặc thù ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung. Có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động giết mổ sơ chế, chế biến sâu sản phẩm động vật. Đổi mới các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người chăn nuôi trong hoạt động giết mổ, chế biến.

Ở góc độ đơn vị quản lý địa phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Ngô Đình Loát đề nghị, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC ngày 23-11-2020 theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ, đặc biệt là đối với lợn, trâu, bò. Đồng thời đề xuất tăng mức phí kiểm soát giết mổ đối với cơ sở giết mổ đọng vật nhỏ lẻ lên cao hơn với các cơ sở giết mổ động vật tập trung tiến tới xóa bỏ dần hoạt động giết mổ nhỏ lẻ…

Cùng với đó, các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ sản phẩm đầu vào tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh sản phẩm động vật về nguồn gốc xuất xứ, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để đạt mục tiêu của Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng: các bộ ngành với chính quyền địa phương cần tháo gỡ những khó khăn về chính sách như đất đai, thủ tục hành chính… để tạo điều kiện thu hút các DN chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn vào đầu tư.

Ngoài ra, khi xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp cần gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để bảo đảm nguyên liệu đầu vào và vận chuyển sản phẩm thịt an toàn ra thị trường. Cùng với đó, đổi mới các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sử dụng thịt mát, cấp đông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì sử dụng thịt nóng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.