70 năm giải phóng Thủ đô

Nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập về việc thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” đã nhận được sự quan tâm, nhiều văn bản đóng góp ý kiến. Báo Kinh tế & Đô thị trích ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý Dự thảo luật về nội dung này.

Cần phải xác định các cơ chế đặc thù khi áp dụng mô hình “thành phố trong thành phố” cho Hà Nội. Ảnh Hoàng Hà
Cần phải xác định các cơ chế đặc thù khi áp dụng mô hình “thành phố trong thành phố” cho Hà Nội. Ảnh Hoàng Hà

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam:

Cần cơ chế đặc thù cho mô hình “thành phố trong thành phố”

Trước đây, Hà Nội đặt ra mục tiêu trước năm 2025 có 5 huyện lên quận, sau năm 2025 có thêm 2 huyện lên quận. Hiện nay, ngoài việc lên quận, quy hoạch mới đưa ra mô hình “thành phố trong thành phố”. Theo thể chế nhà nước, không có mô hình thành phố trực thuộc thành phố trung ương, chỉ có mô hình thành phố trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên năm 2016, Quốc hội từng cho thực hiện mô hình thành phố trực thuộc thành phố trung ương.

Với việc thể chế hóa, TP Hồ Chí Minh đã trở thành thành phố trung ương đầu tiên có thành phố trực thuộc là Thủ Đức. Nhưng 3 năm vừa qua, Thủ Đức cho thấy một số vấn đề. Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy cả thành phố có 44 cơ chế đặc thù thì riêng Thủ Đức có 8 cơ chế.

Một khi áp dụng mô hình “thành phố trong thành phố” cho Hà Nội, dù đã thể chế hóa nhưng vẫn cần phải xác định các cơ chế đặc thù. Hai thành phố Hà Nội đề xuất là thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng bao gồm các huyện Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn có diện tích lên tới 633km2 với rất nhiều khu vực nông thôn, rừng núi; và thành phố phía Tây Hà Nội gồm Hòa Lạc - Xuân Mai với diện tích 251km2 là thành phố gắn với giáo dục công nghệ, ngoài cơ sở hạ tầng dành cho cư dân còn cần cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giáo dục, khoa học; đó là những thách thức trong thực tế của hai thành phố này.

Như vậy, thành phố Hà Nội và hai thành phố phía Bắc và phía Tây đều có đặc thù, cho nên cần những cơ chế đặc thù để phát triển. Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý nhưng để phát triển mô hình này vẫn cần những nghiên cứu, đánh giá lại quy mô ranh giới.

Giữa hai thành phố, cụm Hòa Lạc - Xuân Mai cho thấy triển vọng phát triển nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, ký túc xá cho học sinh, sinh viên, cần tạo ra các các khu đô thị hiện đại để đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Cần nhìn nhận dân cư tại đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho giáo dục, khoa học, cần có chính sách ưu đãi với đối tượng này.

Như phân tích ở trên, đặc thù cho thấy thách thức của hai thành phố. Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn là thách thức phát triển Hà Nội và các vùng, ở đây nếu chỉ nói đến Vùng Thủ đô là chưa đầy đủ còn phải tính đến cả đồng bằng Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội phải là trung tâm phát triển, là đầu mối phát triển của vùng. Trong mối quan hệ liên vùng, Hà Nội cần có vai trò chủ động hơn.

TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội:

Phân quyền, nghiên cứu thành lập “thành phố thuộc thành phố”

Vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Cùng đó, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập “thành phố thuộc thành phố”, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ.

“Thành phố thuộc thành phố” sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

PGS.TS Phan Thị Lan Hương - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội:

Xác định rõ mô hình “thành phố trong thành phố”

Việc thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” cần được nghiên cứu với những khu vực địa giới hành chính. Việc lựa chọn xây dựng thành phố đô thị đặc biệt cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện những tiềm năng, thách thức và tính khả thi khi triển khai xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố”.

Cùng với đó, quy định phân cấp về ngân sách cho chính quyền mỗi cấp để bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động quản lý ở địa phương là cần thiết. Vì thế, việc quy định về nguồn thu của Thủ đô là cần thiết để bảo đảm nguồn lực về tài chính của Thủ đô. Do đó, Dự thảo luật nên cân nhắc quy định chi tiết về nguồn thu và phân cấp nguồn thu cho chính quyền các cấp bao gồm chính quyền quận và phường.

Hơn nữa, bảo đảm tuân thủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Khoản 1 Điều 12 quy định: “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ về phân cấp, phân quyền cụ thể theo từng lĩnh vực, trong đó phải có quy định rõ về thẩm quyền cho từng cấp chính quyền. Dự thảo đang quy định thẩm quyền theo lĩnh vực và trong mỗi điều sẽ có quy định về thẩm quyền của HĐND và UBND thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền cần được quy định cụ thể và phân cấp hợp lý cho từng cấp chính quyền để bảo đảm tính thống nhất, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Chính quyền thành phố Hà Nội cần xác định rõ lĩnh vực trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chính quyền cấp dưới có quyền chủ động, sáng tạo trong quản lý, đặc biệt là các lĩnh vực cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bao gồm quản lý nhà nước về ngân sách, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, về đội ngũ cán bộ, công chức, về tăng nguồn thu cho chính quyền quận để có đủ năng lực, điều kiện và bảo đảm quyền chủ động, sáng tạo trong quản lý ở cấp quận.

Việc phân cấp, phân quyền chỉ thực sự đạt hiệu quả khi chính quyền mỗi cấp có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao. Vì thế, thành phố Hà Nội cần xác định rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị, giảm bớt số lượng cơ quan trung gian, tinh giản biên chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý để bảo đảm phát triển Hà Nội là thành phố đô thị đặc biệt như các quốc gia khác trên thế giới.