Nghiên cứu quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án Nhân dân khu vực
Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, chiều 8/5 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND); dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Các cơ quan tư pháp phải sát dân, bảo vệ dân
Tham gia thảo luận tại tổ đại biểu TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Lương Cường cơ bản đồng tình với tờ trình các dự thảo Luật được trình bày trước Quốc hội, tuy nhiên Chủ tịch nước lưu ý thêm một số nội dung, trong đó nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và Nhà nước pháp quyền phải dựa trên Hiến pháp, pháp luật, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống tòa án và VKS như: số lượng, chất lượng cán bộ, thẩm phán tòa án; cán bộ, kiểm sát viên VKS; thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn; mối quan hệ giữa cơ quan điều tra VKS - Tòa án… và đề nghị nghiên cứu rõ những nội dung này - đặc biệt trong bối cảnh thẩm quyền điều tra sẽ ở cấp xã khi bỏ cấp huyện.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, mục tiêu sửa luật là để thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu của bộ máy, kể cả các cơ quan tư pháp là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân; khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thực tế hiện nay trong hệ thống cơ quan tư pháp (gồm cơ quan điều tra, VKS, tòa án) cũng có những chỗ vướng khi cùng một vụ việc nhưng quan điểm các cơ quan tư pháp lại khác nhau. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị nghiên cứu thêm các quy định về tổ chức, cán bộ trong các cơ quan tư pháp.

Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra phù hợp
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn TP Hà Nội) quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành.
Bày tỏ tán thành với quy định này, tuy nhiên đại biểu Hồng Hà cũng băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra (mà về bản chất bao gồm 2 loại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hiện đang được luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau). Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong tổ chức triển khai thực hiện luật.
Đại biểu dẫn chứng, qua báo cáo của Chính phủ năm 2024 về công tác phòng chống tham nhũng thì bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra còn có hạn chế. Một số trường hợp cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kết luận thanh tra... gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, còn có việc chậm ban hành kết luận thanh tra vẫn còn diễn ra hoặc vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp để xử lý triệt để. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cho phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 1 điều 10 và điều 15 của dự thảo Luật… được cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những yêu cầu đổi mới.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của thanh tra tỉnh trong để chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, bám sát kết luận, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu đổi mới về mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) đề xuất nghiên cứu quy định về tiêu chí để thành lập, giải thể TAND khu vực. Cụ thể, đại biểu cho rằng việc thành lập TAND khu vực phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm số lượng vụ án trung bình hằng năm, dân số khu vực, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và các yếu tố liên quan khác.

Đề xuất tăng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, thành lập tòa chuyên trách
Kinhtedothi - Chiều 26/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.