Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại cuộc họp của...

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại cuộc họp của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội ngày 28/10.

Vốn “3 tăng”

Theo báo cáo của NHCSXH TP Hà Nội, 9 tháng năm 2014, các hoạt động của Chi nhánh trên cả 3 phương diện: Huy động vốn, cho vay và chất lượng tín dụng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đến 30/9/2014, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại chi nhánh đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2013; doanh số cho vay đạt 1.596 tỷ đồng với 86.000 lượt khách hàng được vay, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường và cho vay hộ nghèo; Tổng dư nợ tín dụng đạt 4.563,5 tỷ đồng với trên 287.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 6,2% so với đầu năm và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2013.

 
Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức.
Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức.
Về chất lượng tín dụng, Chi nhánh đã tập trung phối hợp với các hội đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch lưu động cấp xã, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn để có các giải pháp xử lý triệt để, triển khai hoàn thiện hồ sơ xử lý rủi ro. Tổng dư nợ quá hạn đến ngày 30/9 chiếm tỷ lệ rất thấp, ở mức 0,24% trên tổng dư nợ. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng hộ nghèo giảm, NHCSXH Hà Nội đã tham mưu hiệu quả để TP có những điều chỉnh nguồn vốn cho vay phù hợp với thực tế như chuyển nguồn vốn từ cho vay hộ nghèo sang cho vay hộ cận nghèo hay cho vay giải quyết việc làm khi nhu cầu của hai đối tượng này cao hơn.

Hộ mới thoát nghèo cũng cần hỗ trợ

Bên cạnh các đối tượng đang được vay vốn ưu đãi như hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm… kết quả từ khảo sát được NHCSXH TP thực hiện thời gian qua cho thấy, những người mới thoát nghèo cũng rất "khát" vốn. "Chúng tôi kiểm tra ở quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều gia đình vừa mới thoát nghèo có nhu cầu được vay thêm vốn ưu đãi nhưng lại không thuộc đối tượng được NHCSXH cho vay. Trong khi đó, họ không đủ khả năng vay vốn ngân hàng thương mại vì thiếu tài sản thế chấp, khả năng trả nợ và lãi suất cao. Nếu không được "tiếp sức", nguy cơ tái nghèo của các hộ gia đình này sẽ rất cao" - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Tiến Học chia sẻ.

Thực tế hiện nay, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo. Tuy nhiên, việc cho vay đối tượng này vẫn chỉ dừng ở chủ trương mà chưa được triển khai.

Đánh giá những kết quả đã làm được thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu từ nay đến cuối năm, NHCSXH và các sở, ngành liên quan nghiên cứu ngay cơ chế cho vay thí điểm các hộ vừa thoát nghèo, để từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai và phân bổ nguồn vốn cho năm 2015. NHCSXH cần đặc biệt chú ý đến hộ cận nghèo để hạn chế nguy cơ tái nghèo. Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở LĐTB&XH làm đầu mối rà soát lại các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách… để có những điều chỉnh nguồn vốn phù hợp thực tế và tránh cho vay sai đối tượng.
NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp liên ngành xây dựng phương án huy động vốn bổ sung nguồn cho vay giải quyết việc làm năm 2014, ngân sách TP cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, báo cáo và được UBND TP chấp thuận. Hiện nay, NHCSXH Việt Nam đã đồng ý về chủ trương bảo lãnh cho Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội huy động vốn từ các tổ chức tài chính với số tiền khoảng 110 tỷ đồng.