Nghiện rượu - nỗi ám ảnh khôn cùng

Bài, ảnh: Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bệnh nhân phải ra vào bệnh viện nhiều lần vì nghiện và tái nghiện rượu. Có trường hợp nhập viện tới 19 năm liên tiếp để cai rượu.

Quá nhiều câu chuyện đau lòng do rượu gây ra được phóng viên ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.

Thập tử nhất sinh vì rượu

Anh Nguyễn Văn H. (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cai nghiện, có vóc dáng gầy gò, nước da đen sạm và đặc biệt có một vệt lõm sâu trên trán. Gặp chúng tôi, anh dè dặt, không muốn tiết lộ mình là người nghiện rượu. Nhưng được bác sĩ Trần Thị Oanh - Trưởng khoa Cai nghiện động viên, anh mới cởi mở hơn và bắt đầu kể câu chuyện của mình.
Các bệnh nhân cai nghiện rượu trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Chi Lê
Anh H. năm nay 34 tuổi, là chủ của một DN nhỏ với 15 cái máy xẻ tăm. Anh đã lập gia đình và có hai cô con gái xinh xắn. Nhưng, cuộc đời anh bắt đầu trở nên đen tối hơn khi anh thành kẻ nghiện rượu. Anh kể, đặc thù công việc khiến anh thường xuyên phải rót rượu tiếp khách. Nhiều lần, anh uống rượu đến nỗi phải móc họng, nôn ra hết chỗ rượu trong người cho đỡ choáng váng, sau đó quay trở lại tiếp khách như cũ. “Từ những trận nhậu đó, tôi nghiện rượu nặng. Thần trí luôn luôn mơ mơ hồ hồ, không biết mình đang làm gì mà chỉ nhớ đến rượu, thèm rượu”.

Việc say xỉn, mơ hồ suốt ngày khiến công việc kinh doanh của anh đi xuống, 15 máy xẻ tăm không còn hoạt động, nằm phủ bụi trong nhà xưởng, tiền bạc, của cải cứ thế đội nón ra đi. Chẳng những không làm ăn được, năm 2013, do say rượu, anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, hộp sọ biến dạng vĩnh viễn, chân trái bị gãy sau đó nhiễm trùng máu, suýt phải cưa bỏ. “Tôi tưởng mình đã chết trong vụ tai nạn đó rồi” - anh nhớ lại. Cho đến bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại đau buốt, nhắc nhở anh về lần thoát chết ấy. “Tôi đã có tất cả, công việc thuận lợi, làm ăn trên đà phát triển, vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Thế mà trong phút chốc, vì rượu, suýt nữa sinh mạng mình cũng chẳng còn giữ được. Tôi không muốn mình lại rơi vào hoàn cảnh đó một lần nào nữa nên đi cai rượu” - anh H. tâm sự.

Tuy nhiên, đây đã là lần thứ ba anh H. phải tới Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cai nghiện rượu, bởi theo anh, cai rượu còn khó hơn cai ma túy, bởi bất kỳ nơi đâu, bữa ăn, nhà hàng nào, hàng ngày rượu trở thành thói quen sử dụng của mỗi người.

Quan trọng là ý chí của bản thân

Tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, từng có hàng trăm bệnh nhân giống anh H. đã cai rượu nhưng rồi tái nghiện đi tái nghiện lại. Bệnh nhân Trần T.Đ. (65 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đã nhập viện 19 lần trong 19 năm liên tiếp vì nghiện rượu. Các điều dưỡng tại khoa cho biết, bệnh nhân Đ. bị loạn thần do rượu, mỗi lần nhập viện, cai được vài tháng lại tái nghiện, mỗi năm vài tháng phải nằm viện.

Thời điểm hiện tại, Khoa Cai nghiện đang điều trị cho 20 bệnh nhân tái nghiện rượu trên tổng số 40 bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Còn tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mỗi năm bệnh viện cũng tiếp nhận trên dưới 300 trường hợp loạn thần do rượu. Đáng chú ý, trong số này, bệnh nhân tái nghiện rượu chiếm tỷ lệ tới 70 - 80%.

Bác sĩ Trần Thị Oanh cho biết, bệnh nhân dễ bị tái nghiện khi trở về với cộng đồng. Nhiều người cho rằng, cứ ra khỏi bệnh viện là bệnh nhân không cần phải điều trị nữa. Nhưng thực tế, đây là quan niệm sai lầm, việc điều trị cai nghiện rượu có 2 giai đoạn, đó là điều trị nội trú tại bệnh viện và điều trị củng cố tại gia đình, địa phương. Khi trở về nhà, tùy theo tình trạng bệnh mà mỗi bệnh nhân sẽ được kê một loại thuốc chuyên biệt khác nhau để tiếp tục điều trị củng cố. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong vòng một năm, bệnh nhân bỏ hoàn toàn được rượu thì được coi là cai nghiện thành công. Tuy nhiên, để cai được rượu, việc dùng thuốc là chưa đủ, mà còn cần đến người thân, gia đình và cả cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Cũng theo bác sĩ Oanh, việc điều trị nghiện rượu tại bệnh viện đa phần đều tiến triển thuận lợi. Tại đây, các bệnh nhân được cách ly khỏi rượu, đồng thời được hỗ trợ khi có bất cứ biến chứng nào xảy ra trong quá trình cai nghiện như sảng rượu, loạn thần. Tuy nhiện, hiện nay bệnh viện chưa có hệ thống quản lý bệnh nhân ngoại trú, xã hội cũng chưa có các hội nhóm giúp hỗ trợ người cai nghiện rượu. Vì vậy, điều quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm tránh xa “con ma men” của bản thân người cai nghiện.