Kinhtedothi - Từ xưa đến nay, ở nhiều dân tộc, rượu đã quyện chặt vào cuộc sống và số phận của con người. Với lượng vừa phải, rượu đem lại cho người uống cảm giác khoan khoái, dễ chịu, quên đi những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống. Nhưng lạm dụng rượu sẽ phá hoại sức khỏe và nhân cách, đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Rượu có thể gây nhiễm độc cấp (trạng thái say rượu) hoặc nhiễm độc mạn tính (nghiện rượu), gây tác hại cho nhiều cơ quan phủ tạng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả thể chất lẫn tâm thần nếu lạm dụng nó. Ở Việt Nam, bệnh lý tâm thần do rượu trước đây rất hiếm, nhưng trong những năm gần đây, lạm dụng rượu và nghiện rượu đang có xu hướng gia tăng nhanh và trở thành những vấn đề lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội và an toàn của cộng đồng. Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến rượu (bia) bao gồm:
Rối loạn tâm thần cấp (say rượu): Là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp. Say rượu dẫn đến khó kiềm chế cảm xúc, rối loạn về tư duy và các rối loạn về hành vi. Khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Giai đoạn đầu, người bệnh uống lượng rượu tăng dần, về sau lượng rượu ngày một kém dần, có khi chỉ với một lượng rượu nhỏ người bệnh đã say.
Biến đổi nhân cách
Người bệnh trở nên thô bạo, bê tha, giảm sút tình cảm đạo đức, khả năng phê phán giảm rõ rệt, phẩm chất xã hội thoái hóa dần, khả năng làm việc giảm sút. Có khi là thay đổi phản ứng cảm xúc như khoái cảm, nói năng luyên thuyên, hay đùa cợt, sàm sỡ, công kích… Trong một ngày có thể thay đổi từ vui nhộn, khoan khoái với những câu bông đùa vô duyên, sàm sỡ sang quấy rầy, nổi khùng, gây gổ, độc ác hoặc có thể buồn rầu, sợ hãi, lo lắng mơ hồ.
Loạn thần
Là hậu quả tác động trực tiếp và kéo dài của rượu lên não, loạn thần do rượu biểu hiện bằng các rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác… Các biểu hiện rối loạn tâm thần thường mất đi sau 1 - 6 tháng ngừng sử dụng rượu. Người ta chia rối loạn tâm thần do rượu thành 3 loại tiến triển: Loại tiến triển tạm thời không thường xuyên, loại tái phát nhiều lần và loại mạn tính. Để chẩn đoán, điều trị và dự phòng loạn thần do rượu, phải chú ý đến các dạng tiến triển và các triệu chứng loạn thần nổi trội, bao gồm:
Sảng rượu (sảng run): Trong giai đoạn đầu chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, cơn hoảng sợ, kích động, rối loạn thần kinh thực vật, run rẩy. Bệnh tiến triển nặng dần, nhất là về chiều tối, có thể có ảo tưởng thị giác, hồi ức. Ảo giác do rượu là trạng thái loạn thần do nghiện rượu. Thường gặp ở người nghiện rượu lâu ngày. Còn hoang tưởng do rượu cũng phát triển trên cơ sở nghiện rượu và là một dạng loạn thần do rượu. Hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị hại là những biểu hiện lâm sàng chủ yếu của hoang tưởng do rượu.
Trầm cảm
Trầm cảm ở người nghiện rượu rất thường gặp. Trầm cảm thường biểu hiện bằng mệt mỏi, mất sinh lực, mất quan tâm thích thú và giảm hoạt động. Khoảng 50% người nghiện rượu có trầm cảm trong cuộc đời và khoảng 2/3 số người bệnh loạn thần do rượu có rối loạn cảm xúc mà chủ yếu là trầm cảm.
Người ta nói rằng, rượu là thứ nghịch lý lớn nhất của loài người, vì trong một chiếc ly nhỏ bé, nó chứa đựng cả sự cao sang và cái dung tục. Nhưng trên hết, uống rượu vô độ là nguyên nhân của rất nhiều bệnh, là cơn bão làm tan nát nhiều mái ấm gia đình. Y học ngày nay coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, vì rượu ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch… Xã hội coi những người nghiện rượu là gánh nặng vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra các tai nạn, sống bê tha, nhân cách suy đồi…