Mối nguy ở cổng trường
Cuối tháng Ba vừa qua, 15 học sinh Trường THCS Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) bị ngộ độc thực phẩm và phải nhập viện để điều trị do ăn phải kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán trước cổng trường.
Quá trình làm việc ban đầu của cơ quan chức năng xác định, vào ngày 25/3, ông Nguyễn Đình Nhị (ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây) - chủ quán Nhị Ka - đã mua 4 gói kẹo dạng viên, có vỏ bọc kẹo nhiều màu sắc, không có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ tại chợ Quảng Ngãi, trọng lượng mỗi gói là 0,5kg với số tiền 50.000 đồng/kg để về bán lại với giá 1.000 đồng/4 viên.
Sau khi học sinh của Trường THCS Hành Tín Tây mua kẹo và sử dụng, nhiều em có biểu hiện bị ngộ độc với triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tức ngực.
Hiệu trưởng Trường THCS Hành Tín Tây Phạm Minh Tuấn cho biết, các em bị ngộ độc thực phẩm đã được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, đến nay sức khỏe ổn định và đi học trở lại.
Theo ông Tuấn, trường đã tổ chức buổi nói chuyện dưới cờ, tăng cường tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh về tác hại của việc sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mất an toàn trước cổng trường.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh trước cổng trường chấp hành nghiêm các quy định về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Liên quan đến vụ việc này, Sở Y tế Quảng Ngãi yêu cầu Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với cơ quan liên quan để được cung cấp mẫu kẹo mang đi xét nghiệm. Đồng thời, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Chi cục ATVSTP gửi mẫu kẹo đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm các chỉ tiêu liên quan an toàn thực phẩm…
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Quảng Ngãi xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm từ thức ăn, nước uống ở khu vực trường học.
Trước đó, hồi tháng 12/2023, dư luận cũng từng xôn xao khi 30 học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi để điều trị với các triệu chứng nôn, đau bụng, đi cầu lỏng.
Các em này đều đã sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung thạch trái cây nho được phát miễn phí trước cổng trường.
Thực tế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn thường trực từ các mối nguy là những sản phẩm giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các hàng quán kinh doanh đang “bao vây” nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.
Cần sự chung tay
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi Đặng Chính cho biết, việc sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, được bán với giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh.
Nhiều thức ăn trước cổng trường dễ bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây ra các bệnh đường ruột; các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe học sinh, gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi Trần Xuân Thương, việc xử lý các hàng quán trước cổng trường học rất khó khăn, bởi đa số các hàng quán này hoạt động mùa vụ, không cố định, di chuyển bằng các xe đẩy. Cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và tịch thu, tiêu hủy những mặt hàng vi phạm.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền cho học sinh, khuyến cáo bậc phụ huynh nên cho con trẻ ăn uống trước khi đến trường, không mua đồ ăn uống hàng rong, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trước cổng trường.
Bên cạnh đó, phối hợp quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm ở khu vực trường học, tập trung xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, để giải quyết tình trạng mất ATVSTP từ thức ăn đường phố, cũng như thực phẩm trước cổng trường, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của học sinh và con em mình.
Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở con em mình ăn uống tại gia đình trước khi đến lớp; không mua, sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc.