Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại giao vaccine

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong mấy tuần qua, nhiều quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh nhận được cung ứng vaccine phòng dịch Covid-19 từ Trung Quốc và Nga. Khối lượng vaccine được cung ứng không nhiều nhưng vẫn làm cho chính quyền các quốc gia này hài lòng.

 Ảnh minh họa
Trong chuyện cung ứng vaccine hiện có sự khác biệt rất rõ nét giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và các nước trong khối phương Tây ở khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc và Nga chủ động, khẩn trương bao nhiêu với cái gọi là “ngoại giao vaccine” ở khu vực này thì Mỹ và các nước Phương Tây lại thờ ơ bấy nhiêu. Ai cũng biết rằng hiện tại vaccine phòng ngừa dịch bệnh là con át chủ bài vô cùng đắc dụng về đối nội cũng như đối ngoại ở mọi nơi trên thế giới. Cung ứng vaccine như thế cho các quốc gia trên thế giới, cả ở châu Âu, châu Phi thì qua đó Trung Quốc và Nga tranh thủ được đối tác, thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường được vai trò cũng như ganh đua, đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác khác. Trung Quốc và Nga hiện đang khai thác tối đa hiệu ứng thiết thực của sách lược “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.
Không phải Mỹ và các nước phương Tây không nhận ra chủ ý của Trung Quốc, Nga trong việc cung ứng vaccine. Mỹ, phương Tây rất muốn làm phá sản hình thức ngoại giao này của Trung Quốc và Nga nhưng thật sự lực bất tòng tâm. Họ phải ưu tiên cho đối nội và chấp nhận trả giá đắt về đối ngoại bởi thực trạng dịch bệnh vẫn rất trầm trọng và kể cả khi có để thừa vaccine thì vẫn còn cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh. Họ vừa chủ định dùng vaccine làm phương cách chính đối phó dịch bệnh, vừa tìm cách có độc quyền về vaccine để chiếm ưu thế về chính trị thế giới. Vì thế, vaccine không chỉ giúp phòng ngừa dịch bệnh mà còn tác động rất mạnh mẽ tới chính trị thế giới và quan hệ quốc tế.