Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại thương Việt Nam thời Pháp thuộc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu khai thác, bóc lột thuộc địa, thực dân Pháp, ngay sau khi xâm chiếm xong Nam Kỳ đã lập tức khai thác đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng xuất khẩu để thu lợi nhuận.

Càng về sau, ngoại thương Việt Nam càng phát triển tỷ lê thuận với quy mô khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân.

Khai mở

Năm 1859, thực dân Pháp bắt đầu tấn công Gia Định và hoàn thành công cuộc xâm chiếm Nam Kỳ vào năm 1867. Đến năm 1884 với Hiệp ước Patenotre thì Việt Nam chính thức thành thuộc địa của Pháp.

Khoảng thời gian từ 1867 đến 1883, trên lãnh thổ Việt Nam đồng thời có hai chính quyền, nhà Nguyễn cai trị Trung và Bắc kỳ, người Pháp cai trị Nam Kỳ đồng thời liên tục tấn công để xâm chiếm Bắc Kỳ. Vì vậy, ngoài các vấn đề chính trị, an ninh, trên thực tế có hai chính sách kinh tế của hai chính quyền.

Thương cảng Sài Gòn hơn 150 năm trước (năm 1866) - hai năm sau khi được xây dựng. Ảnh: Emile Gsell
Thương cảng Sài Gòn hơn 150 năm trước (năm 1866) - hai năm sau khi được xây dựng. Ảnh: Emile Gsell

Do nhiều yếu tố chính trị, an ninh, tôn giáo, văn hóa tư tưởng nên xuyên suốt trong chính sách kinh tế của nhà Nguyễn vẫn cơ bản “trọng nông ức thương”. Thương mại nói chung, ngoại thương nói riêng của Việt Nam vẫn bị hạn chế, kìm hãm, không thể phát triển.

Tuy nhiên, do bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến, sự thâm nhập của tư bản phương Tây vào khu vực ngày càng mạnh, đặc biệt là công cuộc duy tân của các nước lân bang như Nhật Bản, Trung Quốc tác động đã làm chuyển biến tư tưởng của giới sĩ phu.

Tư tưởng duy tân đã xuất hiện trong tầng lớp này và tửng bước, ít hay nhiều tác động đến tầm nhìn và chính sách kinh tế của triều đình nhà Nguyễn; chính sách “ức thương” đã được nới lỏng và bỏ dần. Vua Tự Đức, năm 1866 đã cho lập ty Bình Chuẩn chuyên kinh doanh của nhà nước; năm 1869 cho phép dân thường ra nước ngoài buôn bán.

Năm 1876, các đình thần vận động vua Tự Đức bỏ lệnh cấm buôn bán đường biển, cho phép bỏ vốn đi buôn và phải nộp thuế 5% cả xuất và nhập. Thậm chí vua Tự Đức còn bàn bạc với Viện Cơ mật phương thức thông thương và lập công ty buôn bán với Hương Cảng. Mặc dù có những nỗ lực nhưng cho đến khi mất hẳn chủ quyền thì nhà Nguyễn vẫn chưa thể thoát khỏi cái vòng bế quan tỏa cảng do chính mình tự vẽ ra.

Trong khi đó, ngay từ đầu, người Pháp đã tăng cường hoạt động buôn bán, vơ vét nông sản của Nam Kỳ để xuất khẩu. Họ chiếm độc quyền buôn bán ở cảng Sài Gòn.

Từ những năm 1870, số lượng tàu qua cảng Sài Gòn tăng nhanh. Năm 1870 có 486 lượt tàu ra vào cảng này với 276.363 tấn hàng hóa thì đến năm 1900 đã có 1.164 chiếc, 1.526.363 tấn hàng hóa. Hàng nhập chủ yếu là nhu yếu phẩm như vải, quần áo, giày dép, đồ ăn, thức uống. Hàng xuất là nông sản, chủ yếu là lúa gạo.

Từ cảng Sài Gòn, năm 1860, Pháp xuất 58.000 tấn gạo, năm 1867 là 98.000 tấn và đến năm 1870 là 230.000 tấn. Thập niên 1880, lượng gạo xuất khẩu bình quân 500.000 tấn/năm, thập niên 1890 tăng lên 700.000 tấn/năm.

Để đối phó với sự cạnh tranh của thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều, từ năm 1887, người Pháp thực hiện chính sách bảo hộ thương mại bằng cách ban hành chính sách thuế quan. Theo đó, hàng Pháp nhập vào Việt Nam chỉ chịu thuế 2,5% nhưng các nước khác phải chịu mức 5%. Tiếp đó, họ lại ban hành đạo luật quy định hàng Pháp được miễn thuế, hàng các nước khác phải chịu từ 25 - 120%.

Hoạt động ngoại thương của người Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, trước chương trình khai thác thuộc địa, tuy chưa thực sự mạnh mẽ vì còn phải đương đầu với các cuộc khởi nghĩa nhưng đã đặt nền móng cho một nền kinh tế thương mại mới - tư bản chủ nghĩa, và góp phần làm thay đổi tư duy kinh tế của người Việt Nam để chuẩn bị cho sự hình thành giai cấp tư sản của người Việt.

Tạo đà

Cơ bản đây là thời gian người Pháp thực hiện chương trình khái thác thuộc địa lần thứ nhất cho đến hết chiến tranh thế giới I. Cùng với việc đầu tư các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, xây dựng các cơ sở công nghiệp, các công trình thủy nông, phát triển kinh tế đồn điền… chính quyền thuộc địa đã chú trọng phát triển thương mại, đặc biệt là ngọai thương để thu lợi từ tài nguyên và sức lao động của người Việt.

Sang đầu thế kỷ XX, ngoại thương của Đông Dương và Việt Nam phát triển nhanh chóng, liên tục xuất siêu. Nếu từ 1899 - 1903 tổng trị giá là 443 triệu franc (xuất 237 triệu franc, nhập 206 triệu franc) thì 1904 - 1908 mặc dù đang chiến tranh vẫn đạt 526 triệu franc (xuất 307 triệu franc, nhập 219 triệu franc). Thị trường xuất chính là Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Mỹ và một số nước châu Âu.

Pháp là thị trường quan trọng nhất, chiếm tới 29,6% hàng nhập trong những năm 1911- 1920. Gạo là mặt hàng xuất sang Pháp nhiều nhất, đến 250.000 tấn trong các năm 1909 - 1913. Ngoài ra còn có ngô, cao su, than đá, cá khô, hạt tiêu, da thô… hàng nhập vào Việt Nam chủ yếu là vải sợi, các đồ dùng sinh hoạt và thực phẩm.

Các năm từ 1900 - 1906 do nhập khẩu nhiều thiết bị, vật tư phục vụ cho khai thác thuộc địa của người Pháp nên nhập siêu còn giai đoạn sau đó đều xuất siêu. Hàng hóa xuất nhiều nhất là từ Nam Kỳ, chủ yếu là gạo; Bắc Kỳ chủ yếu xuất than đá và các loại khoáng sản.

Hầu hết hoạt động ngoại thương của Việt Nam lúc này đều do các công ty/hãng của người Pháp nắm giữ như Denis Frères, Boy Landry, Poinsart Veyret, Deconrs Cabaus và nhất là Liên đoàn Thương mại Đông Dương và châu Phi (L.U.C.I.A). Bằng thủ đoạn độc quyền thương mại, người Pháp đã làm chủ và thu lợi nhuận lớn từ hoạt động ngoại thương của Việt Nam.

Với các hoạt động ngoại thương của người Pháp, nền kinh tế thương mại của Việt Nam đã được mở mang, hình thành phương thức kinh doanh mới, hiện đại theo xu thế chung của thế giới.

Cũng từ hoạt động ngoại thương đã kích thích các lĩnh vực sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từ công nghiệp đến nông nghiệp. Có thể đây là giai đoạn tạo đà quan trọng để ngọai thương phát triển hơn sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Tăng tốc và độc quyền

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ngoại thương Việt Nam tiếp tục phát triển. Chỉ trừ năm 1923, chính quyền Pháp chủ trương tăng đầu tư trang thiết bị cho các ngành sản xuất nên nhập siêu còn lại cho đến năm 1938 đều xuất siêu. Từ 1933 - 1937 xuất khẩu 138 triệu đồng Đông Dương/106 triệu đồng nhập nhẩu.

Gạo vẫn đứng hàng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu. Tính đến năm 1931, gạo chiếm tới 65% tổng giá trị xuất khẩu, từ 1.331.000 tấn trong các năm 1919 -1923 lên 1.582.000 tấn 1933 - 1937, đứng thứ 2 thế giới. Sau lúa gạo là ngô, Việt Nam cũng xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. Tiếp đến là cao su. Ba mặt hàng này chiếm 78% tổng giá trị xuất khẩu của Đông Dương. Ngoài ra còn có sơn, dầu hồi, hạt tiêu, cà phê.

Hải sản xuất khẩu chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng khoáng sản gồm than đá, kẽm vàng, muối mỏ chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu xi măng tăng từ 73.000 tấn năm 1920 tăng lên 120.000 tấn vào năm 1937. Hàng thủ công mỹ nghệ như chiếu cói, thêu ren, đồ gỗ chiếm 3,5% tổng giá trị.

Nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp như ô tô, xăng dầu, phân bón hóa học, vải vóc. Riêng xăng dầu năm 1937 là 236 triệu fanc.

Thị trường xuất khẩu giai đoạn này đã chuyển hướng từ các nước châu Á sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ, đặc biệt là Pháp. Thông qua các đạo luật về thuế quan, chính quyền thực dân ngày càng buộc chặt thị trường Việt Nam vào thị trường Pháp. Riêng than đá xuất sang Pháp năm 1930 là 35.000 tấn, tăng lên 250.000 tấn năm 1937 và đạt 198.000 tấn năm 1938. 80% ngô nhấp khẩu của Pháp là từ Việt Nam.

Nhằm độc chiếm thị trường Việt Nam và Đông Dương, người Pháp liên tiếp ban hành nhiều đạo luật để hạ thuế, miễn thuế đối với các hàng hóa nhập từ Pháp. Nhìn chung hoạt động ngoại thương đều chủ yếu do tư bản Pháp và thứ đến là tư bản người Hoa nắm giữ.

Tư bản Việt Nam đã được hình thành và tham gia hoạt động ngoại thương từ đầu thế kỷ XX nhưng không đủ sức cạnh tranh nên phần lớn chuyển sang làm thầu khoán hoặc trở thành khâu trung gian thu gom hàng xuất khẩu hoặc tiêu thụ, phân phối hàng nhập khẩu.

 

Quá trình đầu tư khai thác thuộc địa của người Pháp để lại nhiều rủi ro và đau thương cho người Việt Nam, nhưng không thể chối bỏ là từ quá trình này họ đã đưa vào nước ta một phương thức sản xuất mới có tính chất tư bản chủ nghĩa trong đó có ngành ngoại thương. Những kết quả ban đầu này, dù muốn hay không, đã làm nền tảng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho hoạt động ngoại thương của chúng ta ngày nay.