Ngoại trưởng Nga hủy chuyến thăm Serbia: Trừng phạt thứ cấp

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc 3 nước láng giềng của Serbia không cho phép máy bay chở Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergej Lavrow tới thăm Serbia khiến cho hoạt động ngoại giao này không thể thực hiện được đã giúp EU và NATO có được cách đồng thời trừng phạt cả Nga lẫn Serbia.

Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc họp báo. Ảnh: AFP.  
Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc họp báo. Ảnh: AFP.  

Ba nước này là Bulgaria, Montenegro và Bắc Macedonia, tất cả đều là thành viên NATO và Bulgaria là thành viên EU. Serbia tuy nỗ lực để được gia nhập EU, có quan điểm như EU lên án Nga tiến hành chiến sự ở Ukraine nhưng không hùa theo EU và NATO đối địch và trừng phạt Nga. Trái lại, quốc gia châu Âu này còn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga.

Mới đây nhất, giữa khi EU chủ trương cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng thì Serbia lại ký thỏa thuận tăng cường nhập khẩu khí đốt của Nga. Phía EU đã nhiều lần công khai cảnh báo Serbia và gây áp lực buộc Serbia ngừng hợp tác với Nga và theo EU trừng phạt Nga.

EU khúc mắc với Nga nhưng lại trừng phạt cả Serbia bằng cách cản trở nước này thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga - thực chất đấy là trừng phạt thứ cấp. EU nói chung và các thành viên EU hay NATO nói riêng có quyền đóng cửa không phận đối với máy bay của Nga nhưng không thể không lưu ý thỏa đáng đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của quốc gia khác, kể cả trong quan hệ hợp tác của các quốc gia này với Nga. Gây áp lực và cản trở Serbia thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga như thế còn mang dáng dấp của việc can thiệp vào quyền tự chủ của quốc gia khác tự quyết định chính sách đối nội và đối ngoại.

Vậy là tiền lệ về trừng phạt thứ cấp đã được tạo ra ở châu Âu. EU càng gia tăng mức độ trừng phạt Nga và các biện pháp chính sách của EU trừng phạt Nga càng chứng tỏ không đưa lại cho EU hiệu ứng như mong đợi, thì việc trừng phạt thứ cấp như thế này sẽ càng được EU tăng cường thông qua hành động chung của EU hay hành xử riêng của các thành viên EU và NATO.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần