Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi nhà cổ gắn với tình sử trong phim "Người tình"

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nét đặc biệt của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không chỉ là vẻ đẹp mang tính giao thoa giữa kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, mà còn là vẻ đẹp lãng mạn của câu chuyện tình giữa công tử nhà họ Huỳnh với nàng văn sĩ người Pháp.

Ông Trần Minh Sưởng, cán bộ quản lý ngôi biệt thự cho biết, ngôi nhà được xây dựng năm 1895 với kiến trúc gỗ truyền thống của người Hoa. Năm 1917, ngôi nhà được trùng tu, xây dựng thêm tường bao, hành lang theo kiến trúc Pháp độc đáo. 

Ngôi nhà của nhân vật chính trong tiểu thuyết 'Người tình' không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn lưu giữ câu chuyện tình nổi tiếng.
Ngôi nhà của nhân vật chính trong tiểu thuyết 'Người tình' không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn lưu giữ câu chuyện tình nổi tiếng.

Nét đặc biệt của ngôi nhà này là vẻ đẹp mang tính giao thoa giữa kiến trúc Việt - Hoa - Pháp. Phần trên của mặt tiền nhà có ghép các mảnh sành, sứ, gạch bông và khuôn bông để trang trí làm đẹp. Mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc Bộ nhằm tạo nét mềm mại. Nhà có ba gian, cửa gỗ chạm khắc rất công phu, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa.

Chính giữa nhà là gian thờ với các bức hoành phi, cột kèo được chạm nổi hoa văn cây cỏ, chim muông sinh động. Nhiều chi tiết được sơn son, thiếp vàng. Phía sau phòng thờ là không gian chung rộng rãi, chính giữa đặt một sập gỗ khảm xà cừ. Hai phía của không gian chung là 2 phòng ngủ sang trọng có vách gỗ ghép kính màu với nhiều họa tiết.

Ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa của ông Huỳnh Thủy Lê tại Đồng Tháp.
Ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa của ông Huỳnh Thủy Lê tại Đồng Tháp.

Ông Sưởng kể, ngôi nhà do thương nhân người Hoa giàu nhất Sa Đéc thế kỷ 19 tên Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng. Sinh thời, ông Thuận là chủ một hiệu buôn lúa gạo, bất động sản biệt thự, cửa tiệm và nhà phố. Ông Thuận mất, ngôi nhà được giao lại cho con trai là ông Huỳnh Thủy Lê, công tử nổi tiếng thời bấy giờ. Kể từ đó, ngôi nhà có tên nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Ngoài kiến trúc độc đáo, ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến từ khi quyển tiểu thuyết "Người tình" của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Ông Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này và nữ văn sĩ người Pháp cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.

Năm 2008, nhà cổ này đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh, sau đó được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009.
Năm 2008, nhà cổ này đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh, sau đó được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009.

Theo tiểu thuyết, trong một dịp tình cờ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, họ đã trúng “tiếng sét ái tình” ngay lần đầu gặp gỡ. Cứ ngỡ chàng và nàng sẽ có một cái kết viên mãn nhưng nào ngờ đâu mối tình chỉ kéo dài được khoảng hơn một năm thì cả hai đành phải chia xa do vấp phải sự phản đối của gia đình. Ông Lê phải lấy vợ theo sự sắp đặt của cha mẹ, nữ nhà văn cũng phải về Pháp lấy chồng.

Sau khi về Pháp, hồi tưởng lại ký ức đẹp ở Đông Dương, bà Margueritte Duras đã viết nên tác phẩm Người tình. Tác phẩm xuất bản năm 1984, nổi tiếng toàn cầu, được dịch ra 43 ngôn ngữ. Người tình sau này được dựng thành phim cùng tên. Bộ phim chất lượng được đầu tư quay trong 4 năm, ghi lại nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam nơi ông Lê và bà Margueritte Duras lưu dấu những kỷ niệm.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là ngôi nhà hết sức đặc biệt, có 130 năm tuổi với những giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật. Năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. 

 

Tiểu thuyết “Người tình” bán chạy nhất trong cùng thời gian với hơn 2,5 triệu ấn phẩm, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Tác phẩm cũng được đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim “L’Amant” năm 1992; được trao giải thưởng Goncourt ngay năm đó. Phim lấy bối cảnh Sa Đéc, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Sài Gòn… khoảng năm 1927.

Qua bộ phim này, ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê được nhiều khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan với mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng Sa Đéc và căn nhà của người tình của nữ văn sĩ nổi tiếng Marguerite Duras.