Người lang thang được chăm sóc, nuôi dưỡng
Thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, nhiều năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện công tác tập trung người lang thang là đối tượng yếu thế, cần sự bảo vệ khẩn cấp.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội được giao nhiệm vụ tập trung, tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết người lang thang trên địa bàn TP. Những người lang thang khi được tập trung đưa về Trung tâm đều được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm khám sức khỏe ban đầu theo đúng quy định.
Những người lang thang có độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần cuộc sống kinh tế khó khăn. Khi được tập trung về Trung tâm, họ thường gặp những vấn đề về tâm lý chưa ổn định, một số người hiểu sai về công tác tập trung, có hành vi chống đối, không chấp nhận việc lưu trú tại đây. Do đó, tùy vào từng độ tuổi và nhu cầu của người lang thang, nhân viên Trung tâm sẽ tư vấn cho họ các nội dung phù hợp. Cũng như thông tin về các quy định của pháp luật có liên quan, cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp người lang thang bảo vệ bản thân trước nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng… Đồng thời, Trung tâm tổ chức cho người lang thang được tham gia các hoạt động sinh hoạt chung, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.
Không chỉ vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức cho người lang thang được đón Tết trong không khí ấm cúng, vui vẻ như khi họ đang sống tại gia đình. Người lang thang được ăn những món ngày Tết như bánh chưng xanh, thịt gà luộc, giò lụa, giò xỏ, nem rán, canh măng, miến, dưa hành,… Sáng ngày mùng 1 Tết, Ban giám đốc Trung tâm đến các phòng của người lang thang chúc Tết, mừng tuổi cho từng người và chúc mọi điều may mắn…
Mới đây nhất, ngày 29/9/2023, Trung tâm tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em lang thang và người lang thang xin tiền có bữa ăn được bổ sung các món giàu dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm còn tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm cho người lang thang tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ, liên hoan bánh kẹo hoa quả; trẻ em được tặng thêm bánh, kẹo và đồ chơi Trung thu. Những hoạt động thực chất này là sự gắn kết giữa viên chức, người lao động và người lang thang đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong ngôi nhà Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.
Người lang thang được tư vấn học nghề, việc làm
Sau ít ngày được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng, đến nay, tinh thần của mẹ con chị Nguyễn Thị Thêm (sinh năm 1987; xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã ổn định, suy nghĩ theo hướng tích cực. Chị Thêm chia sẻ: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con gái sinh năm 2010 bị thần kinh nên mẹ con dắt nhau ra Hà Nội. Để tồn tại, mẹ con tôi xin tiền, quần áo,… của người đi đường mà không biết vi phạm quy định của TP Hà Nội.
Ở đây, chúng tôi được ăn sáng mỗi hôm có một món khác nhau, đồ ăn trưa và tối rất ngon, dinh dưỡng và được tập thể dục, vui chơi, xem ti vi. Sáng thứ Hai hàng tuần, Trung tâm tổ chức sinh hoạt chung, chúng tôi được cán bộ tuyên truyền về việc không đi lang thang, xin ăn, xin tiền… Với sự tư vấn của cán bộ, sau khi dời Trung tâm, tôi sẽ tìm nơi gửi con để đi tìm việc làm, có thu nhập.
Thực hiện Quyết định 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội, hiện nay người lang thang được đưa vào Trung tâm trợ giúp xã hội quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 3 tháng. Chị Nguyễn Thị Phương Thúy là nhân viên Phòng Tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng cho biết: Trong 3 tháng ở Trung tâm, người lang thang được cán bộ phổ biến những quy định của TP Hà Nội để không tái phạm lang thang, không làm mất mỹ quan đô thị Thủ đô. Những người lang thang còn sức lao động được tư vấn học nghề, việc làm để khi trở về địa phương đi lao động. Cán bộ Trung tâm cũng có thêm thời gian tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của đối tượng để có sự chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ,..
Hiện nay, Trung tâm xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 80 người lang thang. “Kể từ khi thực hiện quy định mới của TP là quản lý đối tượng lang thang 3 tháng, số người lang thang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm thường xuyên nhiều hơn, có thời điểm hơn 100 người. Chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng đón người lang thang về chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức đa dạng các hoạt động sinh hoạt” - Trưởng phòng Tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng -Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Đức Vân nói.
Đặc biệt, từ đầu tháng 9/2023, Trung tâm thực hiện chủ trương tổ chức cho người lang thang được lao động trị liệu trên cơ sở họ làm đơn tự nguyện tham gia và có sức khỏe phù hợp. Hiện tại có 15 người đăng ký tham gia lao động trị liệu gấp, dán túi đựng các loại bánh. Đến hôm nay, sản phẩm người lang thang làm ra cơ bản đạt yêu cầu nên các đối tượng rất hào hứng vì cảm thấy mình có ích.
Có thể nói, nhiều đối tượng người lang thang khi mới vào Trung tâm có tâm lý chưa ổn định nhưng sau khi được tuyên truyền, động viên chia sẻ, chăm sóc, giao lưu, nói chuyện, tâm sự cùng những người đối tượng khác, tâm lý họ cũng dần ổn định. Họ cũng nhận thấy chính sách an sinh xã hội nhân văn của UBND TP Hà Nội bao phủ tới các đối tượng, nhất là khi Thủ đô đang thực hiện các mục tiêu của cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, trong đó có nội dung đảm bảo an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.