Hô biến đất công thành đất tư
Liên quan đến vụ án này, mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa các bị cáo Đỗ Văn Dũng (SN 1968) – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng và bị cáo Nguyễn Thành Huyên (SN 1981) – nguyên cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất ra xét xử về 2 tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ”.Các bị cáo còn lại gồm: Phùng Hòa Bình (SN 1975) – nguyên Trưởng thôn 7, xã Hạ Bằng; Nguyễn Đức Tâm (SN 1970) – nguyên cán bộ địa chính xã Hạ Bằng; Nguyễn Xuân Tuyết (SN 1954) – nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng; Vương Thị Hoa (SN 1982) – nguyên cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất; Nguyễn Văn Xuyến (SN 1965) – nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng và Nguyễn Văn Lý (SN 1967, ở thôn 6, xã Thạch Hòa) bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng truy tố, Dự án xây dựng khu Công nghệ cao Hòa Lạc nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất. Dự án này nằm trong khu vực quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 2/6/1997. Đến ngày 11/12/1998, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra Quyết định số 1327/1998/QĐ-UB về việc quản lý quy hoạch chuỗi đô thị nói trên và quy định: Huyện Thạch Thất chỉ đạo UBND các xã có đất nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trái với việc sử dụng đất. Đồng thời, nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trong khu vực chuỗi đô thị bằng bất kỳ hình thức nào.Vậy nhưng, năm 2007, khi thực hiện GPMB cho Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các bị cáo trên đã “cấu kết” với nhau lập khống, giả mạo hồ sơ về diện tích đất nông nghiệp tại địa phương khi bị thu hồi để trục lợi cá nhân và gây thất thoát hàng tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước. Cụ thể, ngày 7/6/2007, UBND huyện Thạch Thất đã ra Quyết định số 825/QĐ-UBND về việc kiện toàn Tổ kiểm đếm GPMB Dự án xây dựng khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong đó, các bị cáo trên được UBND huyện Thạch Thất phân công vào Tổ kiểm đếm tài sản số 4 tại xã Hạ Bằng do bị cáo Đỗ Văn Dũng làm tổ trưởng và Nguyễn Thành Huyên làm tổ phó.Ngày 13/6/2007, khi kiểm đếm tài sản đối với thửa đất số 9, tờ bản đồ số 12 có diện tích hơn 2.200m2 tại địa phương, Phùng Hòa Bình nhận thấy thực tế phần diện tích này chỉ là một cái ao, xung quanh có khoảng 20 cây keo và đang bị một người dân tạm chiếm, dựng lều nuôi vịt. Về chủ sử dụng thửa đất thực sự, bị cáo Bình biết rõ thửa đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Hạ Bằng. Mặc dù vậy, bị cáo Bình vẫn đề nghị và được Huyên chấp thuận cho “phù phép” để biến đất công thành tài sản riêng thông qua việc lập hồ sơ giả. Theo đó, thửa đất số 9 được thể hiện đã được giao cho 3 hộ dân ở địa phương sử dụng và đều có nhiều cây cối, công trình kiến trúc trên đất. Với thủ đoạn này, bị cáo Bình đã “rút” được gần 134 triệu đồng tiền ngân sách.Với hành vi tương tự, hai bị cáo Nguyễn Văn Xuyến và Nguyễn Thành Huyên cùng thừa nhận, vào năm 1995, UBND xã Hạ Bằng giao thầu cho hộ ông Nguyễn Văn Vỹ (người địa phương) sử dụng hơn 4.000m2 đất tại thôn 4. Đến năm 2004, thực hiện chính sách quản lý đất đai, chính quyền xã đã thu hồi lại thửa đất của ông Vỹ nhưng sau đó bỏ không. Tuy nhiên, do có nợ vợ của Xuyến một khoản tiền nên vào năm 2008, ông Vỹ vẫn gán nợ cho gia đình bị cáo này thửa đất đã bị Nhà nước thu hồi. Tiếp đó, vào tháng 3/2008, khi Tổ kiểm đếm tài sản do bị cáo Huyên trực tiếp giải quyết dù biết nhưng vẫn cố tình lập khống hồ sơ và vẽ ra rất nhiều tài sản trên đất để bị cáo Xuyến hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng đối với thửa đất nêu trên.Khi hàng loạt hồ sơ khống như thửa đất số 9 được lập ra và biết rõ đó là sự gian dối nhưng hai bị cáo Tâm và Dũng vẫn ký xác nhận nguồn gốc đất là hợp pháp. Theo điều tra, nhóm bị cáo trên đã hô biến đất công thành đất tư đối với nhiều trường hợp khác và lập khống hồ sơ đất đai để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tiền ngân sách của Nhà nước.Dùng mọi thủ đoạn rút tiền từ đấtĐối với hành vi nhận hối lộ, quá trình xét xử cho thấy, trước khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, anh Vũ Anh Tuấn (trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) có mua thửa đất với diện tích hơn 8.000m2 của một số hộ dân tại xã Hạ Bằng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành mua bán xong thì các bên lại không thể sang tên đổi chủ do pháp luật không cho phép. Vì vậy, vào cuối năm 2007, khi tiến hành kiểm kê tài sản trong quá trình GPMB, bị cáo Dũng đã phát hiện anh Tuấn không đủ điều kiện để có thể được nhận tiền bồi thường. Thấy vậy, bị cáo Dũng đã chủ động liên hệ và đặt vấn đề hợp thức hóa thủ tục nhận tiền đền bù GPMB cho anh Tuấn. Sau nhiều lần ngã giá, anh Tuấn chấp nhận “lót tay” số tiền 100 triệu đồng để Dũng hợp thức hóa hồ sơ cho mình.Theo đó, vào ngày 7/1/2008, tại một nhà hàng ở huyện Thạch Thất, anh Tuấn đã giao trước cho Dũng số tiền 50 triệu đồng và hứa số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi nhận tiền đền bù. Sau khi thống nhất và nhận tiền “bôi trơn” từ anh Tuấn, Dũng liền chỉ đạo Tổ kiểm đếm tài sản lập hồ sơ khống và rút được hơn 1 tỷ đồng tiền bồi thường đối với thửa đất có diện tích 8.000m2 kể trên.Liên quan đến việc nhận tiền “lót tay” trên, quá trình điều tra đã xác định, khi Dũng gặp anh Tuấn để bàn bạc và thống nhất cách thức làm khống hồ sơ thì bị cáo Huyên lúc này cũng tham gia. Theo đó, vào ngày 7/1/2008, bị cáo Huyên chính là người đã nói cho anh Tuấn biết về các điều kiện để được nhận tiền đền bù. Còn về việc nhận số tiền 50 triệu đồng hối hộ, Dũng là người trực tiếp nhận từ tay anh Tuấn sau đó chuyển lại cho Huyên. Ít ngày sau, Huyên đã mang 15 triệu đồng đến phòng làm việc chia cho Dũng.Cái giá phải trảTheo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, trong suốt 3 ngày diễn ra phiên tòa, mặc dù hầu hết các bị cáo đều không thành khẩn nhận tội như nội dung cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được và lời khai của các bị cáo tại Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn có đủ cơ sở để quy kết bị cáo Đỗ Văn Dũng cùng 7 bị cáo liên quan vi phạm vào 2 tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ”. Theo đó, các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 3 tỷ đồng.Đối với hành vi nhận hối lộ, quá trình xét xử bị cáo Dũng cho rằng khoản tiền 50 triệu đồng nhận của anh Tuấn là tiền vay mượn. Song căn cứ vào các lời khai liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu khác đều chứng minh đó là tiền nhận hối lộ để được làm giả hồ sơ đất đai nhằm nhận tiền đền bù GPMB. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng này, HĐXX sơ thẩm cũng khẳng định, đối với Vũ Anh Tuấn đã có hành vi đưa hối lộ. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, bị can Tuấn bị tâm thần nên được tạm đình chỉ điều tra là có căn cứ và đúng pháp luật.Từ những nhận định trên, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Dũng 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo này phải nhận là 14 năm tù. Cũng với 2 tội danh này, bị cáo Nguyễn Thành Huyên bị tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù. Đối với các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 - 7 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.