Quyết bám biển…
Ngày 19/3, chiếc tàu Qna-91865 cùng 13 ngư dân đã về nhà an toàn và cân bán số cá đánh bắt được hơn 30 triệu đồng. Thuyền trưởng Trần Sinh (SN 1957, trú thôn 2, xã đảo Tam Hải) đã trình báo với Đồn Biên phòng Kỳ Hà xung quanh việc tàu của anh bị tàu Hải cảnh Trung Quốc (TQ) số hiệu 46101 dí đuổi, dùng súng bắn xối xả vào tàu làm tàu cá “bị thương” và hư hỏng nhiều vật dụng.
“Tôi mong cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam điều tra và giúp chúng tôi đánh bắt trên vùng biển Tổ quốc mình được an tâm hơn. Sau chuyến biển với nhiều lo lắng, thua lỗ này, tôi cho anh em nghỉ vài ba ngày rồi tiếp tục sửa tàu, sắm mới dụng cụ tiếp tục vươn khơi bám biển. Nghề chính của mình là nghề biển nên không bao giờ nghỉ biển được. Cho dù họ có súng ống, họ đuổi dí, hăm dọa đâm chìm tàu mình, nhưng tôi vẫn không sợ, vẫn quyết bám biển đến cùng…” - thuyền trưởng Sinh quả quyết.
Thuyền viên Ngô Thanh Việt (35 tuổi), có mặt trên tàu cá Qna-91865 TS nhớ lại việc đương đầu với tàu Hải cảnh TQ. Anh kể: “Lúc thấy các tàu Hải cảnh TQ 46101 dùng súng bắn vào tàu cá, tôi và các anh em thuyền viên rất hoảng sợ chạy núp vào dưới khoang tàu. Một thuyền viên của chúng tôi bị thương ở tay chảy máu do mẻ kính rơi trúng. Tôi và các anh em đang nghỉ vài ngày để kiểm tra lại máy móc, thay thế cửa kính và bóng đèn bị vỡ để nhanh chóng tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình và chúng tôi ra khơi còn để góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống của dân tộc”.
Hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân
Sự quyết đoán của thuyền trưởng Trần Sinh cùng các anh em thuyền viên làm cho ai ai cũng khán phục ý chí bám biển của họ. Song những người mẹ, người vợ và con cái họ ở hậu phương lo lắng, bất an hơn khi chồng, cha, anh họ vươn khơi đánh bắt.
Bà Đỗ Thị Nga (SN 1977) là vợ của thuyền phó Võ Lực chia sẻ: chiếc tàu QNa-91865 TS là gia đình tôi “tậu” chung với ông Trần Sinh. Chiếc tàu mua năm 2015 với số tiền 1,6 tỷ đồng. Để có tiền chung tàu với ông Sinh, hai vợ chồng phải vay tiền ngân hàng, còn lại vay thêm của anh, em hàng xóm, gia đình mới đủ số tiền góp vào mua tàu.
Năm đầu tiên mới mua tàu nên chưa có thu nhập, cả năm miệt mài đánh bắt trên biển chỉ thu vào có 30 triệu đồng/người/năm. Số tiền này còn thua ở nhà làm công nhân, nhưng anh Lực nói “nghề biển có năm này, năm nọ, năm thua, năm trúng. Biển cả sao biết trước được, mình giữ biển, biển sẽ không phụ mình đâu...”. Nghe anh nói vậy, tôi đành quyết theo anh.
Chị Nga nói tiếp: Vào ngày 5.3, sau khi tàu lấy xong tổn và vươn khơi. Vì đây là chuyến biển đầu năm, ai cũng hy vọng chuyến này bội thu, vì nghe các tàu ở vùng tỉnh, thành nói trúng mẻ cá ở Hoàng Sa lớn. “Thấy tàu vươn khơi, nhưng không hiểu sao mấy ngày sau đó, tôi thấy rất lo lắng cho anh Lực. Anh đi biển mà tôi ở nhà run. Đặc biệt, khi nghe tin tàu bị tàu Hải cảnh TQ tấn công, bắn đạn thì tôi càng lo lắng, bất an hơn. Dù tàu bị nạn mà anh Lực cũng không điện về cho ai biết hết...” - chị Nga kể.
Vừa nhìn ra chiếc tàu neo đậu trước bến, chị Nga kể tiếp về việc nghe tin tàu của chống bị tàu TQ tấn công: Khoảng gần 10 ngày sau khi tàu vươn khơi, tôi mới nhận được tin nói rằng, tàu anh Sinh vừa bị tàu TQ dùng súng bắn. Qúa hoảng, tôi cùng 4 đứa con chạy ra bến nhờ chủ tàu Qna-90118 ở địa phương dùng máy Icom điện ra cho chồng hỏi thăm tình hình cùng anh em. Lúc này, anh Lực mới kể lại sự việc, anh nói, sợ điện về làm cho vợ con lo lắng thêm, nên không dám điện về thông báo. Dù bị tấn công, nhưng hiện tại anh em đã an toàn và đang đánh bắt kiếm lại tổn mới chạy vào được... “Nghe ảnh trấn an vậy, nhưng mình ở đất liền còn anh ở ngoài khơi sao an tâm cho được” - chị Nga cho biết.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ cho anh em xuống nắm tình hình, kiểm tra và có hướng hỗ trợ ngư dân ngay nhằm động viên anh em tiếp tục bám biển bảo vệ chủ quyền. “Theo tôi, việc tàu của lực lượng TQ liên tục tấn công, phá ngư cụ của tàu cá Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung là họ đánh vào kinh tế, tìm cách gây thiệt hại cho ngư dân, từ đó ngư dân không dám vươn khơi nữa”-ông Thẩm nói.
Việc ngư dân thiệt hại ở đây là nhân tai chứ không phải thiên tai, nên nhà nước cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ họ để tiếp tục vươn khơi bám biển. Nếu ngư dân không được hỗ trợ kịp thời khi gặp nạn thì không dám vươn khơi vì chủ quyền nữa. Ông Thẩm cũng đề xuất với TW Hội Nông dân Việt Nam lên tiếng bảo vệ ngư dân và tìm biện pháp hỗ trợ ngư dân nhiều hơn…