Đây là tin vui của người dân, bệnh nhân khi đi KCB. Thực tế, bấy lâu nay, khi chuyển tuyến, người bệnh phải thực hiện nhiều thủ tục, điều này gây không ít phiền hà cho người dân, thậm chí làm trì hoãn cơ hội tốt để bệnh nhân được điều trị kịp thời.
Vì thế, thay vì chuyển tuyến, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn ngậm ngùi khám trái tuyến với chi phí dịch vụ cao, nhất là khi muốn siêu âm, xét nghiệm, phẫu thuật… tại các bệnh viện tuyến cuối. Nếu không điều trị nội trú, bệnh nhân sẽ phải chi tiền túi 100%.
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, từ 1/1/2016 nước ta đã thông tuyến huyện trên phạm vi toàn tỉnh và từ 1/1/2021 đã thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc đối với điều trị nội trú.
Chính sách thông tuyến này đã và đang góp phần bảo đảm sự công bằng cho những người tham gia BHYT. Tuy nhiên, kể từ khi thông tuyến, số lượt KCB BHYT ở tuyến xã giảm hẳn so với trước đây.
Trong khi đó, số lượng KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây tình trạng quá tải đối với tuyến trên và giảm tỷ lệ KCB ban đầu tại y tế cơ sở. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thông tuyến lên T.Ư chưa thể triển khai.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, người dân sẽ đổ xô lên khám bệnh ở tuyến cao nhất, gây quá tải bệnh viện. Thực tế hàng ngày tại các BV như Bạch Mai, K, Chợ Rẫy, Nhi T.Ư, Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… luôn trong tình trạng quá tải. Cảnh chờ đợi mòn mỏi đối với các chỉ định siêu âm, xét nghiệm... hoặc xếp lịch mổ là không thể tránh khỏi.
Nhưng nếu giữ nguyên các quy định về chuyển tuyến như hiện hành thì người bệnh sẽ chật vật mỗi khi cần KCB chuyên sâu mà tuyến dưới không thể đáp ứng. Nhiều người bệnh vì thế không làm thủ tục chuyển tuyến mà sẵn sàng chi tiền túi lên thẳng tuyến T.Ư khám tự nguyện.
Bởi vậy, quy định người tham gia BHYT KCB ngoại trú không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng có hiệu lực từ 1/7/2026 sẽ có lợi cho người bệnh, thay vì bệnh nhân phải tự thanh toán 100% viện phí khi KCB ngoại trú như hiện hành.
Cũng theo qui định của Luật BHYT sửa đổi, người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trên toàn quốc; 100% mức hưởng khi KCB nội trú tại cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi KCB tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Đặc biệt, có tới 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến, khi lên tuyến trên, tuyến chuyên sâu vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.
Trước những quy định mới, việc bảo đảm quyền lợi cho người bệnh sẽ từng bước giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KCB, tăng tỷ lệ hưởng của người tham gia BHYT khi đi khám.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện tỷ lệ tham gia BHYT trên cả nước hơn 93 triệu người, kỳ vọng trong thời gian tới, số người tham gia sẽ tiếp tục tăng, điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí khi ốm đau, tai nạn cho mỗi người dân, mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc.