Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người bị đau mắt đỏ nên kiêng ăn gì?

HP (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài việc dùng thuốc, vệ sinh sạch sẽ thì người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng ăn gì để bệnh chóng khỏi?

Người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng các đồ ăn có chứa gia vị cay nóng. Ảnh: Shutterstock
Người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng các đồ ăn có chứa gia vị cay nóng. Ảnh: Shutterstock

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh, đặc biệt tại một số tỉnh thành có mật độ dân số đông như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại virus có tên Adenovirus.

Mùa đau mắt đỏ trong năm phổ biến từ đầu hạ đến cuối thu, thời tiết lúc này thất thường lúc nắng, lúc mưa, độ ẩm không khí cao... tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi nảy nở.

Đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách có thể biến chứng thành viêm, loét giác mạc.

Ngoài việc dùng thuốc, vệ sinh sạch sẽ thì chế độ ăn uống cũng phần nào ảnh hưởng đến bệnh. Dưới đây là nhóm thực phẩm người bị bệnh đau mắt đỏ nên tránh xa:

1. Đồ ăn cay nóng

Các đồ ăn có chứa gia vị cay nóng điển hình như: ớt, gừng, tỏi... dễ gây kích thích thần kinh thị giác, khiến tình trạng bệnh nhân đau mắt đỏ trở nên tồi tệ hơn. Ăn nhiều thực phẩm cay nóng sẽ khiến người bệnh gia tăng cảm giác nóng, ngứa, rát khó chịu ở mắt, làm bệnh lý lâu hồi phục hơn.

Ngoài ra, một số loại thịt động vật khác như: thịt chó, thịt dê tuy có nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng lại là những loại thịt có tính nóng, không tốt cho người bị đau mắt đỏ, bạn cần tránh xa khi bị bệnh.

2. Thủy, hải sản có mùi tanh

Các loại thủy, hải sản như: cá, cua, tôm, ốc, ngao... thường chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng đồng thời cũng có nhiều chất kích ứng dễ gây dị ứng vùng da quanh mắt. Vì vậy, bệnh nhân đau mắt đỏ tuyệt đối phải kiêng các đồ ăn tanh nếu không muốn tình trạng nhiễm trùng tại kết mạc trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài thời gian hồi phục.

3. Rau muống

Rau muống vốn là loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của mỗi ra đình. Trong thành phần của nó có nhiều vitamin cùng khoáng chất tốt cho sức khỏe.

Tuy vậy, bệnh nhân đau mắt đỏ cần phải hạn chế tuyệt đối rau muống trong thời kỳ phát bệnh. Bởi vì, các thành phần của rau muống lại có đặc tính kích thích mắt tăng tiết dịch, gỉ mắt gây khó khăn cho việc vệ sinh mắt. Ghèn nhiều còn khiến mắt bị nhiễm trùng nặng thêm, thời gian hồi phục lâu hơn.

4. Chất kích thích

Thông thường các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá... khi đi vào cơ thể sẽ sản sinh các gốc tự do gây hại cho chúng ta. Ngay cả những người bình thường cũng được khuyến cáo không nên sử dụng và với bệnh nhân bị đau mắt đỏ, sức đề kháng lúc này còn yếu, việc lạm dụng chất kích thích sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí gây ra những biến chứng khó lường ở mắt.

Hơn nữa, trong thành phần của bia, rượu có chứa cồn, lạm dụng quá nhiều sẽ gây kích thích hệ thần kinh thị giác làm suy giảm tầm nhìn cũng như kiểm soát các hành động của người bệnh. Chúng sẽ làm cho đôi mắt đang thương tổn của bạn trở nên suy nhược nặng nề hơn nhiều.

Còn trong thành phần của thuốc lá có chất nicotin có thể khiến cho bệnh đau mắt đỏ hơn.

5. Mỡ động vật

Mỡ động vật chính là nguyên nhân gây bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ... ở những người lạm dụng quá nhiều. Chúng thường chứa nhiều chất béo no, khi hấp thụ vào cơ thể sẽ làm lượng mỡ trong máu tăng cao gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến mắt bạn khi đang chịu tổn thương.

Tình trạng mắt đỏ chậm cải thiện đã được các chuyên gia nhận định do mỡ trong máu cao. Vì vậy, thay bằng dùng mỡ, bạn nên sử dụng dầu thực vật để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

6. Nước uống có ga

Những loại nước ngọt, thức uống có ga với lượng đường cao, nhiều chất tạo màu, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe vì vậy luôn được khuyến cáo chúng ta nên hạn chế dùng hàng ngày. Còn đối với người đau mắt đỏ, sử dụng đồ uống có ga, nhiều đường có thể làm chỉ số đường huyết đột ngột tăng cao dễ gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt.

Lạm dụng đồ uống có ga sẽ khiến bệnh tình lâu hồi phục, ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể.

Ngoài ra, để bệnh có thể nhanh khỏi, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bổ sung trong thực đơn các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, các vitamin A, B12, C, D… có trong rau cải bó xôi, rau cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang… rất tốt cho những người đau mắt đỏ bởi chúng rất giàu các tiền tố benta-carotene sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt sáng, khỏe mạnh.