Người biến con tằm thành “thợ dệt”

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý tưởng biến con tằm thành những “thợ dệt” chuyên nghiệp, bà Phan Thị Thuận đã tạo ra những sản phẩm độc đáo chưa nơi nào có, giúp làng nghề dệt lụa Phùng Xá, huyện Mỹ Đức có cơ hội được hồi sinh.

Tạo ra sự độc đáo
Ca dao xưa từng có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” phần nào nói lên nỗi vất vả của người thợ ươm tơ dệt lụa. Cơ cực là vậy, nhưng có nhiều người vẫn nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với nghiệp “ăn cơm đứng” này, trong đó phải kể đến Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề dệt, ngay từ nhỏ bà Thuận đã tham gia phụ giúp gia đình một số công việc như hái dâu, chăn tằm, vì thế mà tình yêu với những sợi tơ vàng đã ngấm vào bà một cách tự nhiên.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm làm từ lụa sen.

Đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi, bà Thuận vẫn miệt mài cống hiến và dành tâm huyết nghiên cứu phát triển nghề dệt lụa. Tâm sự về nghề mà mình đã gắn bó cả cuộc đời, bà Thuận bộc bạch: Nuôi tằm còn vất vả hơn cả chăm con mọn, lúc nào cũng phải luôn chân luôn tay. Nếu ai không có lòng yêu nghề, không nhẫn nại thì không thể nào làm được.
Trong giai đoạn khó khăn nhất của làng nghề, khi hàng làm ra không bán được, đã khiến nhà nhà chặt dâu, người người bỏ việc, nhưng bà Thuận vẫn kiên trì bám trụ lại với nghề. Bà suy nghĩ, nếu mình không tạo ra được sản phẩm độc đáo, khác lạ thì khó có thể tồn tại được.
Nghĩ là làm, qua quan sát cách con tằm đan kén, bà Thuận đã nảy ra sáng kiến biến con tằm thành những “thợ dệt” chuyên nghiệp. Thông thường loài tằm sẽ làm tổ rồi cuộn thành kén, nhưng nếu không có nơi bấu víu thì chúng buộc phải nhả tơ vào không gian. Dựa vào đặc tính này, bà Thuận đã để tằm nhả tơ trên một mặt phẳng. Kết quả, sau 3 – 4 ngày tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau tạo thành tấm kén phẳng, sau đó đem tấm tơ đó đi luộc trong vòng 4 tiếng sẽ tạo ra một tấm bông tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn, không có kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp. Từ tấm bông tơ này, bà thiết kế thành các tấm chăn, gối, mũ, quần, áo… Đây là những sản phẩm độc nhất vô nhị, chưa nơi nào trên thế giới có và được khách hàng rất ưa chuộng.
Không ngừng sáng tạo
Với kỹ thuật vê tay điêu luyện của mình, bà Thuận có thể biến kén tằm thành những sản phẩm hoàn hảo, có chất lượng không thua kém các sản phẩm làm từ tơ tốt khác. Từ kỹ thuật vê tay này, bà còn thành công trong việc tạo ra lụa sen. Đây là một loại lụa được dệt từ những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen. Lụa sen phải làm hoàn toàn bằng thủ công và không dùng các hóa chất phụ trợ nên có hương thơm tự nhiên, tạo cho người dùng có cảm giác dễ chịu. Hiện nay trên thế giới mỗi chiếc khăn được tạo ra từ lụa sen có giá trên 100 USD. Bà Thuận cho biết, tiềm năng của dệt lụa sen ở địa phương rất lớn. Nếu phát triển rộng mô hình dệt lụa sen này sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên trước đây thường bị bỏ phí, ngoài ra còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động khác.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là người giới thiệu kỹ thuật dệt lụa sen với bà Thuận cho biết: Ngay từ buổi đầu tiên được biết đến kỹ thuật và sản phẩm từ lụa sen, bà Thuận đã khẳng định chắc nịch rằng “chắc chắn sẽ làm được”. Từ đó, bà Thuận tự tìm tòi, nghiên cứu và đến nay đã thành công với những sản phẩm từ lụa sen đầu tiên với chất lượng và kiểu dáng không thua kém gì các sản phẩm mẫu. “Bà Thuận thực sự là một tài năng của ngành dệt nước ta. Những sản phẩm của bà làm ra rất độc đáo, có chất lượng tốt và màu sắc rất hài hòa” – bà Trần Thị Quốc Khánh nhận xét. Với những sáng tạo trong nghề của mình, bà Thuận đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của làng nghề dệt lụa Phùng Xá nói riêng và cho ngành dệt thủ công nước ta nói chung.