Theo Công an huyện Thường Tín, hiện trên địa bàn huyện có 289 đối tượng thi hành án treo, 63 đối tượng cải tạo không giam giữ và 356 đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Thời gian qua, các cơ quan thi hành án hình sự huyện Thường Tín đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, xã , thị trấn tiếp nhận hồ sơ, quản lý các đối tượng; lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo; đề nghị miễn giảm thời hạn chấp hành cải tạo không giam giữ được thực hiện đúng quy định của Luật thi hành án.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín - Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ cho biết: Dù đã được quan tâm, song thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể là một số chính quyền cấp xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc quản lý, giúp đỡ giám sát người chấp hành án tại địa phương; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, giáo dục còn hạn chế về nội dung, tài liệu. Đặc biệt, các thủ tục giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi còn phân biệt, kỳ thị, gây khó khăn; việc phân công theo dõi, quản lý, giúp đỡ người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, người chấp hành án tại địa phương nhiều khó khăn do chưa có chế độ, chính sách, dẫn đến hiệu quả không cao. Lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam ghi nhận những chuyển biến tích cực của các quận huyện trong công tác này, trong đó Thường Tín làm tốt về quy trình tổ chức thực hiện, bài bản, đúng quy định, hướng dẫn. Các cơ quan tư pháp huyện như Tòa án, Viện kiểm soát… của huyện cũng tích cực phối hợp thực hiện với Công an huyện và UBND, Công an các xã, thị trấn trực thuộc. Tuy nhiên, theo ông Nam, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác này tại Thường Tín còn hạn chế. Vì vậy, tới đây, Cơ quan Thi hành án hình sự huyện thời gian tới phải là đầu mối liên hệ với Công an TP để hiện đại hóa dần trong kết nối với các đơn vị để quản lý các đối tượng chấp hành án, để giảm công sức thời gian mà lại tăng hiệu quả quản lý, đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội; đồng thời, cần chỉ đạo sâu hơn cho Công an các xã, thị trấn và tham mưu cho chính quyền tại đây. Trong đó, tại cấp xã, Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp chỉ đạo chứ không phân cấp hay “khoán trắng” cho phó chủ tịch, trong đó quan tâm việc chi cho công tác khen thưởng động viên những cán bộ tham gia quản lý giáo dục các đối tượng tại địa phương, mà Công an xã cần tham mưu việc này. “Sau này, tôi sẽ kiến nghị Sở Tài chính và Công an TP hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương về công tác chi kinh phí thực hiện nhiệm vụ này”, ông Nam cho biết. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Tư pháp chủ động có văn bản đề nghị và hướng dẫn các cơ quan thi hành án hình sự tại 30 quận, huyện để thiết lập hệ thống dữ liệu với các cơ quan này, phục vụ tốt công tác quản lý, tạo điều kiện cho các đối tượng đã hoàn thành việc chấp hành án làm thủ tục công nhận xóa án tích…