Người đàn bà “ngông” ở làng Đại Vĩ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là chủ của những cơ ngơi cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng chị chỉ tự nhận mình là “ô sin chưa vững nghề”.

Hay cười, nói chuyện có duyên, ít ai nghĩ bên trong người đàn bà nhỏ nhắn ấy lại là một tính cách kiên định, liều lĩnh và có phần “ngông”. Đó là câu chuyện về chị Ngô Thị Tuyến, thôn Đại Vĩ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội.

Luôn mơ làm bà chủ

Hài hước, cách nói chuyện xuề xòa đúng chất “nông dân”, chị luôn tự nhận là người hiếu thắng, làm bất cứ việc gì cũng không chịu thua kém ai. Thấy người này cấy 1 sào lúa, chị phải làm cho được 4 sào. Người kia làm 2 sào ngô, chị quyết “ôm” hẳn 7 sào. Chồng làm thợ xây xa nhà, một mình vừa phải nuôi 2 đứa con thơ, vừa chăm người mẹ già bệnh tật nhưng ai cũng nể phục khi thấy chị gánh gồng thêm hơn mẫu ruộng. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà nghèo vẫn hoàn nghèo, chị Tuyến chưa phút nào ngừng trăn trở: “Cứ thế này thì sao có tiền cho con ăn học?”.
Chị Tuyến vinh dự được bầu là Phụ nữ tiêu biểu Thủ đô năm 2014. 	Ảnh: Khắc Kiên
Chị Tuyến vinh dự được bầu là Phụ nữ tiêu biểu Thủ đô năm 2014. Ảnh: Khắc Kiên
Từ trẻ đã luôn ao ước được làm “bà chủ” nên chị bàn với chồng mở cửa hàng tạp hóa. Mới nghe qua, anh Đào (chồng chị) đã gạt đi: “Đến đi xe máy còn chưa thạo, huống hồ bán buôn. Yên phận lo cho chồng con là được”. Bề ngoài gật gù nhưng trong lòng chị cứ bứt rứt không yên. Năm 1996, thấy hàng bàn ghế mỹ nghệ bán đắt như tôm tươi, chị lần mò tìm mối lấy hàng rồi đem bán lại. Được chừng nửa năm, chị Tuyến nằng nặc đòi mua máy móc, nhất quyết đòi mở xưởng. Bán tín bán nghi nhưng thấy vợ kiên quyết, anh Đào đành phải chiều theo.

Lần đầu vào nội thành giao hàng, loay hoay cả ngày không tìm được đường đến cửa hàng, chị lại lẽo đẽo mang hàng về. Nhưng không vì thế mà chị nản lòng. Vốn ít, kinh nghiệm gần như không có nên ban đầu xưởng của chị Tuyến chỉ nhận làm những đồ nhỏ như kệ ti vi, bàn trang điểm, ghế lười, tủ để giày dép… Thời ấy, nhà nào sắm được tivi là cực “oách”. Xóm làng Đại Vĩ trong những kỳ World Cup, SEA Games đều vui như có hội. Tối tối, những chiếc tivi hiếm hoi được đặt nơi đầu ngõ hoặc góc sân để phục vụ bà con xem bóng đá. Thấy vậy, chị Tuyến nghĩ thầm: “Cứ bê đi bê lại bất tiện quá. Nếu lắp bánh xe vào kệ tivi thì sẽ tiện lợi hơn nhiều, chắc chắn mọi người sẽ thích”. Đúng như dự đoán, những chiếc kệ đầu tiên có lắp bánh xe vừa ra lò đã “cháy” hàng. Chị cũng cho lắp bàn xoay ở phía trên mặt kệ để dễ dàng quay ti vi theo nhiều góc khác nhau. Năm 1999 là quãng thời gian “ngọt ngào” nhất với gia đình chị. Nhờ lấy chữ tín làm đầu nên đơn hàng từ khắp nơi tới tấp tìm về, mỗi ngày chị thu về tiền triệu là chuyện thường. Lúc đông nhất, xưởng có trên dưới 30 công nhân làm việc.

Tưởng chị đã thỏa mãn với giấc mơ “bà chủ” thì ai ngờ năm 2004, chị lại gây sốc khi hỏi chồng: “Anh có muốn làm trang trại không?”. Tưởng vợ đùa, anh Đào cao hứng bảo: “Thích thì làm, sợ gì!”.

Bỏ tiền triệu thu tiền ngàn

Những tưởng câu nói ấy sẽ như gió thoảng qua tai, ai ngờ những ngày sau anh được phen lạnh sống lưng khi thấy chị rục rịch gom góp tiền bạc. Hỏi ra mới biết, những lần đi ngang qua cánh đồng trũng bỏ hoang sau làng, nhìn cỏ mọc um tùm, chị Tuyến xót từng khúc ruột: “Tấc đất tấc vàng, mười năm sau chỗ này nhất định hái ra tiền”. Đã làm phải làm cho ra trò. Vừa dồn hết vốn liếng thầu 1ha đầm, chị Tuyến lại vay mượn tiền để thuê thêm ruộng của 165 gia đình xung quanh, tổng diện tích lên tới gần 4ha. Ngày chị thuê máy múc bùn, gánh đất đổ nền xây chuồng trại, hàng xóm láng giềng cứ tròn mắt ngạc nhiên. Kẻ bảo chị liều, người bảo chị ngông, thích chơi trội. Bà Phạm Thị Phẳng, công nhân làm ở trang trại, cười bảo: “Hồi ấy, hễ ai thắc mắc, nó đều trả lời ráo hoảnh: Nhà chật, kiếm túp lều tranh ngoài đồng ở!”.

Thế nhưng, mộng làm trang trại vừa thành hình đã liên tiếp gặp thử thách. Ngay từ những ngày đầu bén duyên với nó, chị đã được một phen dở khóc dở cười khi bị lừa mua phải 2.000 con… vịt đực. Lần ấy, chị mất trắng 2 triệu đồng vì tội tin người. Sau đó tập trung nuôi khoảng một vạn con gà, 400 con lợn thịt, 40 lợn nái và thả 2,5ha cá, chị nhẩm tính sẽ thu được tiền lãi kha khá, ai ngờ hết dịch bệnh lại mưa lũ khiến bao vốn liếng trôi theo nước lũ.

Đêm mưa bão cuối năm 2007, một cơn lốc đã cuốn bay 2 dãy mái fibro xi măng khiến cho 200 con lợn phơi trời. Bão vừa tan, ngập lụt lại ập đến. Trận lụt lịch sử năm 2008 càn quét qua trang trại khiến chị Tuyến mất trắng hàng trăm triệu đồng. Cũng may, nhờ biết “lấy ngắn nuôi dài” nên chị vẫn vớt vát được chút vốn liếng. “Nhiều người bảo tôi dại, sướng không biết hưởng, bỏ kiếm tiền triệu mà đâm đầu vào làm trang trại để rồi phải đi nhặt nhạnh từng ngàn” - chị nhớ lại.

“Không thử sao biết”

Nói chuyện với chúng tôi mà cứ chừng 10 phút, điện thoại của chị Tuyến lại đổ chuông. Hết trứng lại gà, gà lại trứng, khách hàng từ nhiều nơi tới tấp gọi cho “bà chủ Tuyến” để đặt hàng. Kẹp điện thoại trên vai, vừa nghe điện vừa bận rộn ghi ghi chép chép, chị cười: “Chắc hiếm có nông dân nào được bận rộn như tôi”. Đầu năm 2012, chị Tuyến chuyển sang cung cấp các loại gà giống và trứng thương phẩm. Trong suốt thời gian đầu, làm sao cho ra quả trứng có giá trị dinh dưỡng cao luôn là điều khiến chị trăn trở. Nhiều lần đi nhập cám, thấy sắn chất đầy trong kho, từng củ mốc xanh mốc đỏ, chị cứ đờ đẫn cả người. Những lúc cho gà ăn, chị tính: “Họ chắc chắn phải dùng hóa chất để xử lý nấm mốc, gà ăn cám hóa chất rồi đẻ ra quả trứng cũng toàn hóa chất. Làm ra quả trứng không khó, khó ở chỗ làm sao để có lợi sức khỏe cho người tiêu dùng. Gà mẹ có khỏe mạnh, đủ chất thì trứng mới nhiều dinh dưỡng. Chi bằng tự mua nguyên liệu rồi tự phối trộn, vừa an toàn lại tiết kiệm”.

Nghĩ sao làm vậy, chị tìm mua cám gạo, ngô, sắn, thậm chí cả dầu ăn Neptune, Tường An về trộn lẫn. Thấy lạ, có người thắc mắc: “Ai bảo bà làm thế?”, chị Tuyến đáp ráo hoảnh: “Cứ thử đi, không thử sao biết”. Để chắc chắn, mỗi khi đi chọn nguyên liệu, chị lại nhón vài hạt ngô, bốc từng nhúm cám gạo rồi thản nhiên cho vào miệng nhai thử, bao giờ ưng mới thôi. Không được học qua trường lớp, việc phối trộn thức ăn hoàn toàn do chị mày mò, suy luận. Chưa có cơ hội đi kiểm chứng bằng máy móc nhưng cứ nhìn những quả trứng tròn to, khách hàng hài lòng, chị biết mình không sai hướng. Nhiều giống gà mới cho năng suất cao cũng đã được “bà chủ Tuyến” mày mò lai tạo thành công như gà hướng thịt D308 (vốn là gà D300, nhập từ CH Séc), gà lai Ai Cập…

Hiện nay, ngoài trang trại, xưởng gỗ mỹ nghệ, chị Tuyến đã thành lập Công ty Giống gia cầm Tiến Đạt cung cấp cho khắp các tỉnh, thành. Mỗi năm, gia đình chị thu về hàng tỷ đồng từ những cơ ngơi này. Không những tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/tháng, chị cũng tiếp sức để họ mạnh dạn vươn lên làm chủ, thoát phận làm thuê.

Hỏi bí quyết làm ăn, lắc đầu cười, chị bảo: “Có ngày hôm nay là nhờ chồng con tôi luôn bên cạnh, không có anh ấy, tôi đã gục lâu rồi. Cũng chính vì sự tham công tiếc việc của tôi mà chồng tôi hỏng một bên mắt (anh Đào gặp tai nạn trong lúc đi quây lại ao cá - PV), đó là nỗi day dứt nhất của tôi”.
Không chỉ vươn lên làm giàu, chị Ngô Thị Tuyến còn tận tâm hướng dẫn, dạy nghề cho nhiều lao động đến học việc, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, giúp đỡ 8 hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và vốn. Với những thành công kể trên, chị được nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp, 4 năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp TP. Năm 2014, chị vinh dự nhận danh hiệu "Phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần