Người dân cố thủ trong... hoang mang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư thuộc 5 quận, huyện, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp.

Lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng di dời và bố trí nhà tạm cư cho hai chung cư cũ là nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh, do đã xuống cấp nghiêm trọng...
Chung cư cũ G6A Thành Công biến dạng sau nhiều năm bị cơi nới.
Chung cư cũ G6A Thành Công biến dạng sau nhiều năm bị cơi nới.
Những ngày gần đây, khi nghe tin tòa nhà mình đang sinh sống được xếp vào diện chung cư cũ (CCC) nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình, có nguy cơ sụp đổ, chủ sử dụng phải thực hiện ngay việc di dời khẩn cấp, lập dự án cải tạo, xây dựng lại), người dân tại 2 CCC: G6A Thành Công và A Ngọc Khánh (Ba Đình) tỏ ra cực kỳ hoang mang, lo lắng.

Không đến mức nguy hiểm?

CCC G6A Thành Công và A Ngọc Khánh (Ba Đình) đều được xây dựng cách đây trên 30 năm, Đến nay, hiện trạng 2 tòa nhà này đã ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm, nghiêng lún tổng thể hoặc xuất hiện nhiều vết nứt lớn, giằng cột sắt thép hoen gỉ, gạch vữa mục nát, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng nghịch lý là một bộ phận không nhỏ người dân đang sinh sống tại 2 tòa CCC kể trên lại cho rằng không cần thiết phải đập đi xây lại, và rằng họ không hề mong muốn điều đó xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình Ngô Ngọc Lâm:
Chính quyền sở tại như ngồi trên đống lửa, chỉ có thể cố gắng duy trì hiện trạng để đợi phương án giải quyết từ ban ngành cấp trên.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình Nguyễn Hoa Trung: Năm nào phường cũng thực hiện kiểm đếm, báo cáo tình trạng xuống cấp của các chung cư cũ lên quận, TP và có phương án dự phòng di dời khẩn cấp khi phát sinh rủi ro. Tuy nhiên, cấp quận, TP và Bộ Xây dựng chưa có phương án cụ thể nào với các tòa nhà kể trên.

Anh Phạm Công Đại sống tại căn hộ 208, nhà G6A, Thành Công (Ba Đình) cho biết: “Từ khi nghe tin tòa nhà được xếp vào diện nguy hiểm nhất, cần di dời để xây mới lại, chúng tôi rất hoang mang”. Không chỉ anh Đại, nhiều người dân tại G6A còn cho rằng, tòa nhà có tuổi đời lâu thì cũ kỹ nhưng “đó chỉ là bên ngoài, bên trong còn rất chắc chắn, bền vững, không đến mức như báo chí phản ánh hay kết luận của cơ quan thẩm định”. Anh Đinh Văn Đàn - căn hộ 408, G6A Thành Công nói: “Còn khối khu nhà khác xập xệ hơn nhiều, chỗ chúng tôi đây đã là gì”. Tổ trưởng Tổ dân phố số 27, phường Ngọc Khánh Nguyễn Đức Tích nói: “Tòa nhà năm nào cũng được kiểm tra, xếp vào diện xuống cấp nhưng người dân vẫn sinh sống bình thường, không có gì xáo trộn”.

Quyết tâm bám trụ

Không chỉ nảy sinh tâm lý hoang mang, lo sợ đối với việc xếp hạng nguy hiểm 2 tòa CCC kể trên, người dân nơi này còn tỏ ý sẽ không đồng thuận nếu phải di dời mà không được đáp ứng các yêu cầu về tái định cư. Theo anh Phạm Công Đại, người dân có 3 yêu cầu cụ thể: được tái định cư tại chỗ, hệ số bồi thường thích hợp và các dự án xây mới CCC phải hoàn thành nhanh chóng để tránh cảnh tạm cư “vất vưởng, đằng đẵng nhiều năm như người dân chung cư C1 Thành Công (Ba Đình)”. Cũng như anh Đại, hầu hết người dân sống tại các CCC trong nội thành Hà Nội đều lo sợ sẽ bị di dời đến các khu vực ngoại thành hay các quận xa trung tâm khác. Mặt khác, hệ số bồi thường chưa biết là bao nhiêu, có thỏa đáng hay không, nhất là với vị trí “vàng” như tòa G6A Thành Công hay A Ngọc Khánh. Ông Nguyễn Đức Tích dẫn chứng: “Cách đây gần chục năm cũng đã có công ty xây dựng về họp dân để bàn phương án xây mới khu nhà A nhưng không thành vì hệ số bồi thường không đáp ứng được nguyện vọng của người dân”.

Không chỉ có vậy, cuộc sống của nhiều hộ dân sống tại tầng 1 các tòa CCC còn trông cả vào việc kinh doanh hay cho thuê ki ốt, di dời, tái định cư đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn thu nhập lớn, thậm chí với nhiều gia đình là mất nguồn sống. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao gần như toàn bộ khối tầng 1 các CCC tỏ ra lo sợ và phản đối kịch liệt việc “xếp hạng nguy hiểm” tòa nhà nơi họ đang sinh sống. Thậm chí, ông Nghiêm Xuân Tuy - căn hộ 308, G6A còn nói: “Theo chúng tôi, cứ cho người dân xây bọc các phần chồi ra xung quanh tòa nhà là vững vàng hết, không cần phải đập đi xây lại làm gì”. Nhiều người dân sống tại tầng 1, 2 tòa CCC này cũng mong muốn “giữ nguyên hiện trạng” để tránh đảo lộn cuộc sống và tỏ ý sẽ “cố thủ đến cùng”, không chấp nhận di dời nếu không được tái định cư tại chỗ với hệ số cao, đi kèm các điều kiện phục vụ sinh kế như đang có. Đây sẽ là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của các cấp chính quyền nếu muốn tu sửa, xây mới CCC. Và, chừng nào các CCC còn tồn tại, hàng nghìn hộ gia đình vẫn sẽ ngày ngày chung sống với hiểm nguy cận kề dù rằng với họ thế là “bình thường thôi”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần