Người dân đang nắm giữ 500 tấn vàng: Chỉ là số liệu mơ hồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, chưa từng có một báo cáo thống kê chi tiết và đáng tin cậy từ một tổ chức nghiên cứu độc lập hay cơ quan quản lý Nhà nước về con số 500 tấn vàng trong dân.

Đang lãng phí vàng trong dân?

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín - ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết, ông không đồng tình với con số ước lượng 500 tấn vàng của Hiệp hội vàng Việt Nam. Theo ông Tín, giả sử có 500 tấn vàng được nhập vào Việt Nam thì chưa chắc 500 tấn vàng đó nằm trong két của người dân. Ông Tín cho rằng có đến hơn 70% trong 500 tấn vàng đó nằm ở các công ty vàng, doanh nghiệp vàng, thậm chí là ở các ngân hàng thương mại. Còn khoảng gần 30% tấn vàng là mới nằm ở người dân.

“Nếu thành lập Sở giao dịch vàng thì hiện nay chỉ đáp ứng cho hai đối tượng”, ông Tín nói và phân tích: Một là, đáp ứng cho cá nhân tham gia sàn giao dịch vàng để đầu cơ, lướt sóng. Đây là những đối tượng tạo ra những cơn biến động vàng của thị trường vàng và tỷ giá USD trước đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hai là, đáp ứng cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại muốn tham gia vào để đầu cơ lướt sóng và kiếm lợi nhuận. Hai đối tượng này chưa được Nhà nước khuyến khích. Bởi cách kinh doanh này không nhằm phát triển dịch vụ, sản xuất và đầu tư đem lại lợi ích cho nền kinh tế, thậm chí còn làm mất ổn định thị trường tài chính tiền tệ.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận xét: “nói rằng người dân Việt Nam đang nắm giữ 500 tấn vàng” thì chỉ là số liệu mơ hồ, bởi chưa từng có một báo cáo thống kê chi tiết và đáng tin cậy từ một tổ chức nghiên cứu độc lập hay cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, số liệu vàng ở Việt Nam đều được cung cấp bởi các tổ chức quốc tế nào đó, họ nói bao nhiêu thì biết vậy. Giả định rằng, số liệu vàng 500 tấn kia là có thật và Nhà nước hành xử như kiến nghị của VGTA thì đồng nghĩa chấp nhận hướng ngược với mong muốn và cách đang làm của NHNN?

Thực tế thời gian qua, tại những thời điểm giá trong nước thấp hơn đáng kể so với giá thế giới, nhưng vàng không còn hút vốn, lôi kéo vốn như trước. Giao dịch vàng trên thị trường, theo ước tính của Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), bình quân hiện chỉ bằng khoảng 40% những năm sôi động trước đây. Và nếu tiếp tục xới xáo câu chuyện kinh doanh vàng như trước 2011, chắc chắn hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng lại lao vào cuộc chơi “đỏ đen” với vàng, làm cho thị trường tài chính lâm vào rủi ro và méo mó. “Không nên để các ngân hàng nhập cuộc thị trường vàng vì làm như thế, sẽ đi ngược chủ trương chống “vàng hóa” trong nền kinh tế”, TS Bùi Quang Tín nhận xét.

Không nước nào dám động vào vàng

Ngay cả kiến nghị huy động vàng từ dân chúng để bán ra lấy tiền cho vay của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là quá mạo hiểm vì khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ trên. TS Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, trên thế giới, không có nước nào dám động vào vàng vì khi huy động vàng trong dân thì dễ nhưng để trả được dân là rất khó.

Khi huy động vàng trong dân thì việc lo huy động 2-3% lãi suất trả cho dân là rất đơn giản. Song, vấn đề ông lo ngại là khi huy động nguồn lực rất lớn ấy, các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia? "Chưa có nước nào dám động vào vàng như Việt Nam định làm. Ngay cả Mỹ cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này. Khi giá vàng lên xuống, trồi sụt, nhà nước huy động vàng của dân bán lấy tiền Việt, đến khi dân chúng đòi thì lấy vàng đâu để trả? Nhất là khi vàng lên thì ngân hàng sẽ xử lý thế nào?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Nếu NHNN muốn huy động vàng trong dân thì tự thân NHNN phải đứng ra vay vàng và chỉ có NHNN mới được làm phép huy động vàng, thông qua phát hành chứng chỉ vàng và đảm bảo có lãi cho người gửi. “NHNN không thể mạo hiểm khi huy động của dân 3 năm nhưng lại cho Bộ Tài chính vay 5 năm hoặc dùng làm nguồn bảo đảm đi vay nước ngoài trong 15 hay 20 năm. Như vậy sẽ rất rủi ro và rất nguy hiểm”, ông Chí nhận xét.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa vàng chỉ là một loại tài sản để dành, có ý nghĩa trong trường hợp dòng tiền “chạy trốn”, phòng ngừa rủi ro khi mọi cơ hội đầu tư khác khép lại, thay vì kênh đầu tư có tính chất phát triển.

Nói cách khác, vàng là công cụ bảo hiểm, “của để dành” một cách thụ động hơn là công cụ đầu tư hiệu quả. Bởi thế, “những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, họ ít hoặc không quan tâm đến vàng, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính không biến động lớn. Thậm chí, những quốc gia ổn định dài hạn, vàng đơn thuần là vật trang sức”, ông Nghĩa cho biết.

“Trong khi hoạt động tổ chức, giám sát quản lý thị trường vàng hiện còn yếu, trình độ quản lý của chúng ta còn quá thấp, cơ chế chính sách lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, minh bạch, thì, ngay lúc này chưa phải là thời điểm chín muồi để thực hiện chủ trương huy động vàng”, ông Nghĩa nói.
Việc NHNN tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng là một bước đi cần thiết để củng cố năng lực điều hành tiền tệ để phục vụ các mục tiêu mong muốn. Cung tiền, dự trữ bắt buộc, tăng trưởng tín dụng – tất cả đang nằm trong vòng kiểm soát của NHNN, không việc gì họ phải cho vàng lấn sân, can thiệp vào khả năng kiểm soát này. Với tâm lý kinh doanh ngắn hạn, khả năng tái diễn rủi ro giá vàng tăng lên, ngân hàng hay khách hàng vay bằng vàng không tất toán nỗi sẽ tái diễn. Không ai mong muốn điều đó cả. (TS Lê Xuân Nghĩa).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần