Người dân đặt nhiều kỳ vọng vào “gương mặt” mới của phố Thái Thịnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Đại đa số người dân đều mong rằng, khi có kết quả nghiên cứu và các phương án thiết kế, người dân sẽ được đóng góp ý kiến để có sự đồng thuận cao khi thực hiện.

Từ khi thông tin tại Quyết định số 1528/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ phố Tây Sơn đến phố Láng Hạ) tại các phường: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Trung Liệt, Láng Hạ ở quận Đống Đa, Hà Nội được công bố đã khiến người dân tại tuyến phố này rất quan tâm và trông đợi.

Cụ thể, tại Quyết định do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kí có nêu rõ, với tổng diện tích đất nghiên cứu thiết kế sẽ vào khoảng 12 ha, chiều dài tuyến 1,4 km, việc nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển đô thị và quản lý quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan đối với tuyến đường cải tạo, mở rộng và xung quanh các nút giao thông, nằm trong khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng đất của các lô đất. Các đơn vị liên quan phải đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện có theo nguyên tắc không phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, khu vực cảnh quan tuyến.
Người dân phố Thái Thịnh hi vọng sau khi được cải tạo vỉa hè sẽ có lối đi chứ không bị bịt kín thế này nữa.
Người dân phố Thái Thịnh hi vọng sau khi được cải tạo vỉa hè sẽ có lối đi chứ không bị bịt kín thế này nữa.
Đối với các công trình hai bên tuyến đường cần nghiên cứu đề xuất quy định chi tiết cụ thể bước lập quy hoạch, thiết kế đô thị về khoảng lùi, quy mô tầng cao, hình thức kiến trúc, bố trí bảng hiệu…đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Xác định các quỹ đất không đủ điều kiện xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) gây mất mỹ quan đô thị, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định…. 

UBND TP Hà Nội yêu cầu xác định các vị trí công trình điểm nhấn theo hướng nhìn, tầm nhìn để đạt được hiệu quả kiến trúc cho toàn tuyến. Về hình khối và hình thức kiến trúc chủ đạo: Theo xu hướng truyền thống hoặc hiện đại, hoặc kết hợp. Cụ thể hóa kiến trúc ở những thành phần như: mái, cốt cao các tầng, cửa, ban công, lô gia trên tuyến phố,... Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng các yếu tố cảnh quan, kiến trúc nhỏ, tạo được nét đặc trưng kiến trúc đô thị của khu vực. Quy định cụ thể về bố trí công trình tiện ích đô thị (tượng đài, tranh hoành tráng, các bảng chỉ dẫn, thiết bị kỹ thuật chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, sân vườn, mặt nước,...).

Một điểm đáng lưu ý, đối với các biển quảng cáo gắn tại mặt tiền công trình cần đề xuất kích cỡ, tỉ lệ phù hợp. Đề xuất giải pháp thiết kế cụ thể, có tính khả thi, sửa chữa những khiếm khuyết trong đô thị cũ bằng việc trồng cây xanh bổ sung, làm mái hiên dọc hè phố hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác. Chỉ định màu sắc chủ đạo trên tuyến phố phù hợp với tập quán, văn hóa.

Theo khảo sát của chúng tôi, tuyến phố Thái Thịnh có lưu lượng giao thông lớn, là điểm nối quan trọng với nhiều tuyến phố từ Tây Sơn tới Láng Hạ. Vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra khá thường xuyên bởi lòng đường hẹp có nhiều chỗ bị thắt cổ chai. Bên cạnh đó, với mật độ các cửa hàng kinh doanh san sát dày đặc từ đầu tới cuối phố nhưng vỉa hè nhiều chỗ quá bé không để vừa một chiếc xe máy làm gì còn chỗ cho người đi bộ. Chỗ nào vỉa hè rộng hơn một chút thì bị tận dụng triệt để làm nơi đỗ ô tô của các tòa nhà, Cty lớn rồi các hàng rong, hớt tóc chiếm dụng. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị của phố như một hàm răng khấp khểnh với các nhà, cái thì thụt vào, cái thì thò ra tận mép đường cùng với hàng bó dây điện giăng như mắc cửi trên các cành cây khiến phố Thái Thịnh trông giống một phố huyện hơn là một con phố trung tâm của Thủ đô. 

Trao đổi với PV, chị Thanh Hương (chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Thái Thịnh cho biết, chị rất vui với chủ trương cải tạo tuyến phố này của TP, tuy nhiên điều chị lo lắng là việc các biển hiệu giống nhau (như trường hợp trên phố Lê Trọng Tấn) sẽ được các cấp lưu tâm chỉnh sửa sao cho phù hợp với vấn đề thương hiệu và sự thu hút khách hàng của từng hộ kinh doanh. Chị Hương cho rằng, nên chăng, các đơn vị nghiên cứu nên đưa nhiều sự lựa chọn về hình thức biển hiệu, màu sắc, phông chữ để người dân được lựa chọn, không nên đóng khung vào số ít mẫu và màu sắc, miễn là vẫn phù hợp với các quy định trong Luật Quảng cáo và giúp cải thiện bộ mặt đô thị của tuyến phố.

Một ý kiến khác về vấn đề biển hiệu cũng đáng lưu ý là của anh Tiến Mạnh, chủ một nhà hàng lớn trên phố cho rằng, với những cửa hàng nhỏ thì có thể chỉ cần biển hiệu với kích thước vừa phải nhưng nhà hàng của anh khá lớn nếu chỉ được treo một biển hiệu nhỏ thì sẽ không phù hợp. Quy hoạch, cải tạo sắp xếp lại biển hiệu cũng cần nghiên cứu kỹ về tỉ lệ, kích cỡ của nó có tương xứng với quy mô một của doanh nghiệp hay chưa. Tiến hành một cách khoa học và hợp lý vẫn sẽ khiến tuyến phố trông đẹp mắt hơn mà không bị dập khuôn trăm cái như một. 

Bác Nguyễn Khắc Lâm, cán bộ về hưu sinh sống tại một khu tập thể trên phố Thái Thịnh thì tỏ ra rất phấn khởi: “Tôi là cán bộ về hưu, chiều mát cũng muốn ra đi bộ vài vòng ở vỉa hè. Nhưng phố nhà tôi, đến chỗ để xe máy còn khó khăn thì lấy chỗ đâu cho các ông bà già chúng tôi đi dạo. Nếu được quy hoạch lòng đường, vỉa hè, cây xanh, đèn chiếu sáng như đường Lê Trọng Tấn thì quá tuyệt”. 

Đại đa số người dân đều mong rằng, khi có kết quả nghiên cứu và các phương án thiết kế, người dân sẽ được đóng góp ý kiến để có sự đồng thuận cao khi thực hiện. 
Tại Quyết định số 874/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Khâm Thiên, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ phố Lê Duẩn đến Ô Chợ Dừa), quận Đống Đa, Hà Nội, tổng diện tích đất nghiên cứu thiết kế đô thị khoảng 8,5ha. Chiều dài nghiên cứu toàn tuyến khoảng 1,2km gồm hai bên tuyến phố Khâm Thiên, điểm đầu từ nút giao phố Lê Duẩn với phố Nguyễn Thượng Hiền, điểm cuối tại nút giao Ô Chợ Dừa. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu quy định cụ thể về bố trí các công trình tiện ích đô thị: biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, biển hiệu, thiết bị chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhà chờ xe, cây xanh, quảng trường, lối đi, vỉa hè. Quy định kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo thẩm mỹ và hài hòa với cảnh quan, kiến trúc. Đề xuất thiết kế sơ bộ các hệ thống trang thiết bị hạ tầng đồng bộ, các công trình tiện ích đường phố, pa nô áp phích, biển báo, chiếu sáng đô thị. Các đơn vị liên quan phải hoàn thành thiết kế trước tháng 9-2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần