Người dân huyện Thanh Oai: Mong nước sạch từng ngày

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng xấu đến...

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Có nước sạch để sinh hoạt là nhu cầu cấp thiết và cũng là niềm mong mỏi của người dân nơi đây.

Canh cánh nỗi lo

Tam Hưng có 7 thôn với 3.695 hộ và 12.820 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây đang bị ảnh hưởng xấu bởi nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, do nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nên nguồn nước ngầm tại khu vực này chứa nhiều hàm lượng của các kim loại nặng như sắt (Fe), đồng (Cu), măngan (Mn)... vượt mức cho phép. Trong đó, cao nhất là asen, tỷ lệ cao gấp từ 3 - 5 lần tiêu chuẩn.
Người dân xã Tam Hưng vẫn phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt  hàng ngày. 	Ảnh: Ánh Ngọc
Người dân xã Tam Hưng vẫn phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Ánh Ngọc
Đã nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hồi, ở thôn Hưng Giáo vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan qua hệ thống bể lọc để sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước không đảm bảo vì sau khi lọc vẫn có mùi tanh. Chị Hồi chia sẻ: "Vì không yên tâm nên gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng khoan cho tắm rửa, giặt giũ. Còn nấu ăn, nước uống hàng ngày vẫn giữ thói quen dùng nước mưa". Tương tự, anh Đỗ Văn Kiên, ở thôn Bùi Xá cho biết, dù đã cẩn thận lọc nước giếng khoan tới 2 lần nhưng khi dùng nước sôi để pha trà, nước trà mất màu và chuyển sang màu tím. "Vẫn biết việc sử dụng nước giếng khoan và nước mưa như hiện nay là không đảm bảo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác" - anh Kiên nói.

Theo ông Lê Văn Ân - Chủ tịch UBND xã Tam Hưng, hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã đang sử dụng nguồn nước từ giếng khoan và nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước khai thác ở mạch nước ngầm không đủ điều kiện xử lý đúng cách nên chất lượng nước không đảm bảo. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số người mắc các bệnh liên quan đến đường ruột, bệnh ngoài da trên địa bàn xã ngày càng nhiều, nhất là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Đẩy mạnh tuyên truyền
Trạm cấp nước sạch liên xã hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nỗi bức xúc của người dân trong suốt một thời gian dài và giúp địa phương hoàn thành tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Ân - Chủ tịch UBND xã Tam Hưng

Hiện nay, nguồn nước ngầm tại Thanh Oai đang ở mức thấp, trong khi có tới 90% lượng nước có tỷ lệ nhiễm asen vượt mức cho phép. Đây là con số báo động mức nguy hại ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đáng nói, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch của huyện mới chỉ đạt xấp xỉ 30%, thấp hơn so với tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch của TP là 36%. Trong khi tốc độ đô thị hóa cùng với sự phát triển của các làng nghề, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang tạo gánh nặng về ô nhiễm môi trường.

Bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, vấn đề ô nhiễm nguồn nước và mong muốn có trạm cấp nước sạch đã nhiều lần được cử tri trên địa bàn huyện kiến nghị tại các buổi tiếp xúc. Thực tế, những năm qua, TP đã đầu tư cho huyện xây dựng, nâng cấp một số trạm cấp nước sạch như Cự Đà, Xuân Dương, Kim Bài..., song hiệu quả sử dụng của các trạm này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa vận hành hết công suất. Huyện cũng đã nhiều lần phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng bể lọc và hỗ trợ thiết bị lọc nước cho người dân nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Nguyên nhân do kinh phí hỗ trợ hạn hẹp, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phần lớn các hộ dân xây dựng bể không đạt yêu cầu.

Tháng 11/2015, dự án trạm cấp nước sạch liên xã Tam Hưng – Thanh Thùy chính thức được khởi công. Với công suất 3.300m3/ngày đêm, sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho 24.589 hộ dân. Đây là dự án thuộc Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư 94,3 tỷ đồng. Để dự án sớm hoàn thiện, huyện cùng với chính quyền 2 xã Tam Hưng và Thanh Thùy đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của dự án dân sinh phúc lợi. "Trên cơ sở tự nguyện tham gia dự án, người dân sẽ hiểu được sự cần thiết sử dụng nước sạch, không còn tâm lý "đắn đo" khi đóng góp kinh phí và đăng ký sử dụng nước sạch lâu dài" - bà Hà khẳng định.