Mỹ Latinh luôn phải đối mặt với tình trạng di cư ồ ạt và dai dẳng trong suốt thời gian dài. Qua từng năm, số lượng người dân muốn rời đi ngày một tăng và không hề có dấu hiệu chững lại.
Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu mới nhất của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, cứ năm người xin tị nạn trên thế giới thì có hai người đến từ Mỹ Latinh.
Lý giải cho việc người dân không muốn định cư lâu dài tại khu vực này, một số chuyên gia cho biết chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tỷ lệ thất nghiệp cao khiến họ không tha thiết với quê hương và muốn tìm đến nơi tốt hơn.
Ví dụ, mặc dù tỷ lệ lạm phát luôn trên ngưỡng 100%, Argentina vẫn phải tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư đến từ Venezuela, nơi đang ghi nhận với mức lạm phát vượt ngưỡng 300%.
Trong khi đó, cộng đồng người Haiti định cư tại Chile ở giai đoạn năm 2010 cũng bắt đầu phải rời đi từ năm 2021 do thất nghiệp, tình trạng đói nghèo gia tăng, sự công kích, chỉ trích của người dân đia phương hay luật nhập tịch ngày càng khắt khe.
Bị côn đồ, tội phạm thường xuyên rình rập, theo dõi, Maynor đã phải bán toàn bộ tài sản ở Honduras và đưa vợ cùng ba người con của mình đến phía bắc. Đặc biệt, anh và gia đình đã di cư đến ba lần.
“Tôi phải rời khỏi đất nước của mình nhiều lần và đến Mỹ, nhưng lại bị trục xuất. Bây giờ, tôi đang nỗ lực đến Mỹ một lần nữa nhưng lại bị mắc kẹt ở Mexico. Mọi thứ thực sự vô cùng tồi tệ” – Anh than phiền.
Marisol Quiceno, Giám đốc của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Mỹ Latinh, cho biết những người di cư luôn mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm, an ninh lương thực cũng như được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu – điều mà họ không thể được đáp ứng tại nơi mình sống trước đây.
Tuy nhiên, kể cả khi di cư đến những nơi tốt hơn, người dân các nước Latinh cũng sẽ phải đối mặt với những tình trạng khác nhau - một số sẽ gặp phải những quốc gia, khu vực khó hòa nhập, còn số khác thì may mắn hơn khi gặp các cộng đồng cởi mở, dễ thích nghi và tìm kiếm được công việc ổn định.
Bà Quiceno cho rằng kể cả khi đã đến quốc gia mong muốn, những người di cư sẽ gặp khó khăn trong hòa nhập với đời sống kinh tế và pháp lý khác biệt, cũng như có thể sẽ bị người bản địa quay lưng, không chấp nhận.
Không những vậy, trên chuyến hành trình tìm nơi trú ngụ an toàn, người di cư phải đối diện với nhiều hiểm họa còn đáng sợ hơn.
Nhà tâm lý học Mayner Rodríguez thuộc MSF cho biết rằng cô đã chứng kiến những trường hợp người di cư và gia đình của họ phải đối mặt với bạo lực, đe dọa tính mạng và thậm chí nhiều người đã bỏ mạng.
“Thật đáng buồn nhưng không còn lựa chọn nào khác đối với họ” – Cô chia sẻ với truyền thông.
Bà Quiceno đặc biệt lo ngại về tình trạng trẻ em, thanh thiếu niên di cư không có cha mẹ hoặc người thân đi cùng ngày một gia tăng, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu đảm bảo vệ quyền lợi, tình trạng sức khỏe đối với những đối tượng này.
Bên cạnh đó, người di cư còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: trộm cắp, tình trạng thiếu ăn, ngủ, kiệt sức vì đi đường dài hay lạm dụng và bạo lực tình dục.