Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân lại ùn ùn tìm cách chạy khỏi TP Hồ Chí Minh: Nghĩ vừa giận vừa thương!

HÀ NAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố này luôn “nghĩa tình”, thành phố này luôn “vì cả nước, cùng cả nước”. Thế nhưng, khi đại dịch xảy ra, nhiều người dân đã và đang sinh sống, học tập, lao động ở thành phố này lại ùn ùn tay xách nách mang, lên xe máy tìm cách chạy khỏi…!

Sáng nay (ngày 15/8), khi một lãnh đạo cao cấp của TP Hồ Chí Minh phát biểu sẽ tiếp tục giãn cách thêm 1 tháng nữa để từng bước đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới… thì trên các ngả đường cửa ô, từng đoàn người dân nhập cư lại ùn ùn tay xách nách mang, lên xe máy tìm cách chạy khỏi Thành phố “nghĩa tình” này!
 Người dân lại ùn ùn tay xách nách mang, lên xe máy tìm cách chạy khỏi TP Hồ Chí Minh sáng ngày 15/8. Ảnh: Đan Hà
Ở lại cũng khổ, về quê thì mang dịch theo!
Được biết số lượng những người nhập cư đến TP Hồ Chí Minh để học tập, lao động… là rất lớn. Nguồn nhân lực này cũng đã giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh thêm phát triển. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn phần lớn họ cũng chẳng khá giả gì. Nếu không xảy ra đại dịch như hiện nay, thì cuộc sống của họ cũng sẽ ổn định. Thế nhưng, với 3 tháng “ăn không, ngồi rồi” vì chấp hành giãn cách xã hội như vừa qua, không có thu nhập mà vẫn phải tốn nhiều chi phí thuê nhà, sinh hoạt… với giá cao.
Lúc này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hành động cao đẹp của các cá nhân, đội nhóm giúp đỡ người nghèo mùa dịch. Nhưng chắc chắn chúng mới chỉ như "muối bỏ bể", chỉ giúp được một số lượng nhỏ mà thôi.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này, tuy nhiên ngân sách thành phố và Trung ương cũng còn nhiều khó khăn nên cũng chỉ đỡ được phần nào! Và đối tượng này vẫn rất khó khăn và chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch!
Vì vậy, họ đã phải tiêu đến những đồng tiền ít ỏi đã tích cóp trong đã nhiều tháng, năm qua, và đến nay đã “sạch sành sanh”. Không còn nguồn thu nhập nào khác, để sống… họ phải tìm cách trở về quê bằng mọi cách!
Vừa qua, nhiều tỉnh, thành đã có chính sách phối hợp với TP Hồ Chí Minh đón công dân của mình về quê. Thế nhưng số lượng người được về quê cũng rất ít. Và còn nhiều tỉnh “ngó lơ” không đoái hoài gì tới công dân của mình đang “kêu cứu” tại tâm dịch!
Thế nên, những làn sóng tháo chạy tự phát như thế này đã xảy ra khi thời hạn giãn cách kéo dài thêm... Không biết các chốt chặn ở cửa ngõ còn đủ sức ngăn chặn đến khi nào? Phạt cũng là một cách đang được dùng, nhưng mà thực ra chỉ phạt được người có đủ tiền đóng mà thôi. Những người không có tiền trong túi, không có chỗ trọ để họ quay lại thì giải quyết sao?
Nếu còn 1 chỗ trú thân, còn đủ lương thực thực phẩm để "trụ" thêm 1 tháng hay hơn nữa, chắc hẳn cũng ít ai liều mình lặn lội đường xa mà về quê như vậy!
Một điều đáng lo ngai nữa, nếu để các đối tượng này mà về quê tự phát như vậy… thì hậu quả mang dịch về các địa phương khác sẽ rất lớn.
Hàng trăm nghìn người dân lao động nhập cư đang gặp khó khăn đã phải “di cư” từ các thành phố lớn về quê hương bản quán chỉ để tìm miếng ăn, tìm nơi trú ẩn để tránh dịch, bất chấp lệnh cấm và hành vi ngăn chặn quyết liệt từ phía chính quyền. Chính những người dân này trong lúc đi tìm sự sống đã vô tình đem dịch Covid-19 về với quê hương. Cứ nhìn số liệu những ca test nhanh, ngẫu nhiên những người đang đi trên đường ở TP Hồ Chí Minh bị dương tính với SARS-CoV-2 là biết. Thế là, các tỉnh thành khác cũng tăng số lượng những ca nhiễm, lây… kéo theo dịch tăng mạnh trên cả nước.
Cần có chính sách đồng bộ, kịp thời
Rất cần lúc này là chính sách, quyết sách kịp thời về hỗ trợ cho hàng chục, hàng trăm nghìn người dân gặp khó khăn tại tâm dịch Covid-19 này.
Ngay khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu ban bố và thực hiện lệnh giãn cách xã hội ở mức cao “ai ở đâu, ở yên đó” thì đã có những bất cập xảy ra. Yêu cầu người dân ở yên trong nhà, với những trường hợp nghèo, khó khăn không có lương thực thiết yếu tích trữ… thì họ lấy gì ăn để sống!
Thế nhưng, lúc ấy thì những thông tin về các tấm gương người tốt, việc tốt lại được ca ngợi, đưa lên thành phong trào với mong muốn nhân rộng, còn thông tin về các chính sách hỗ trợ người dân từ phía Nhà nước lại mỏng mảnh, manh mún, vẫn còn nằm trên giấy, ở diện bàn thảo để ra quyết định…
Rồi cũng đến lúc các gói cứu trợ được Nhà nước cung ứng cho người dân trở thành hiện thực. Nhưng chỉ nhìn số tiền công bố được duyệt để đem ra sử dụng với số lượng những người dân nằm trong diện khó khăn, hỗ trợ… thì số tiền mỗi người dân diện này được nhận lĩnh thì cũng thấy là nó thiếu, thiếu nghiêm trọng… Vì vậy, vẫn không giải quyết được thực chất vấn đề!
Vấn đề đặt ra lúc này, nếu muốn người dân ở yên trong nhà, tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giãn cách xã hội thì phải tổ chức cung ứng đủ nhu cầu thiết yếu - dù là tối thiểu cho người dân, điều này cần phải làm trên tầm vĩ mô, tức là phải do Nhà nước làm, phải có chính sách cụ thể và thực chất, phải làm ngay, làm song song với lệnh giãn cách, chứ không thể phó mặc cho những tổ chức, cá nhân làm từ thiện…!
Những chính sách hỗ trợ nhanh chóng để những đối tượng như những người nhập cư này có thể nhận được trong vòng 1-2 ngày chứ không phải "đánh đố" như kiểu “muốn nhận tiền hỗ trợ phải về quê xin xác nhận” mà trên báo đăng vài hôm trước.