Sở QH – KT Hà Nội đã thống kê một số nhóm vấn đề trong nội dung đồ án có tác động tới người dân ngoài đê khi triển khai quy hoạch.
Di dân tại chỗ
Theo Sở QH - KT Hà Nội, số liệu thống kê trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ), hai bên sông Đuống có khoảng 14.000 người (khoảng 3.808 hộ).
Khi triển khai các quy hoạch phân khu sẽ có những tác động đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, chủ yếu đó là tác động theo hướng tích cực nhằm ổn định nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực vùng bãi.
Cụ thể, các đồ án quy hoạch đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.
Theo đồ án, những khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở đã được quy định trong Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều thì phải di dời. Việc này sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống của một số hộ dân. Tuy nhiên, TP Hà Nội đã dự kiến dành quỹ đất 5% diện tích khu dân cư được tồn tại để ưu tiên phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ khi di dân, giãn dân.
Diện tích xây dựng ngoài bãi có tác động vào nền địa hình, ảnh hưởng đến không gian phòng chống lũ không vượt quá tỷ lệ diện tích bãi sông được phép xây dựng theo quy định và phải được Bộ NN&PTNT thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành.
Về các lô đất chức năng được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng, sẽ bao gồm nhiều loạt đất: Công cộng đô thị; cây xanh và thể dục thể thao đô thị, trường học, bãi đỗ xe, dịch vụ - làng nghề; cơ quan; di tích, đầu mối hạ tầng kỹ thuật,... Về đất ở xây dựng mới bố trí tại khu vực bãi sẽ có mật độ xây dựng thấp.
Quỹ đất này dành ưu tiên cho tái định cư phục vụ nhu cầu di dân giải phóng mặt bằng khu vực dân cư hai bên sông và góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử. Công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 theo hướng để trống hoặc sử dụng đỗ xe, sinh hoạt công cộng,… để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại khi có lũ.
Tái thiết đô thị, cải thiện không gian sống
Đối với các khu vực được tồn tại, bảo vệ, chỉnh trang, tái thiết đô thị sẽ ưu tiên công trình hạ tầng xã hội, công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe phục vụ dân cư khu vực.
Các khu vực đất nhóm nhà ở hiện có xuống cấp, phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch và một số khu vực đất ở hiện có trong khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng) khi tiến hành cải tạo có thể đề xuất theo hướng cải tạo xây dựng mới, tái thiết đô thị để xây dựng các công trình hoặc cụm công trình theo hướng giảm mật độ xây dựng, dành không gian trống cho sân, vườn, giao thông nội bộ,... cải thiện không gian sống cho người dân trong khu vực ngoài đê.
Đặc biệt, TP Hà Nội yêu cầu bảo tồn và cải tạo các hồ, ao có vai trò tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường; quỹ đất trống có kế hoạch sử dụng ưu tiên bố trí theo thứ tự: Sân chơi, vườn hoa, công trình sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, trạm điện, điểm tập kết rác,… phục vụ cộng đồng dân cư khu vực, tổ chức không gian chuyển tiếp giữa khu mới và khu cũ, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững của khu vực dân cư.
Theo Phó Giám đốc Sở QH – KT Phạm Quốc Tuyến, quy hoạch phân khu được UBND TP Hà Nội phê duyệt đã xác định rõ về định hướng đối với các khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng và sông Đuống, là cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ dân cư khu vực, ổn định đời sống dân cư, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, đảm bảo cho phát triển hài hòa, bền vững cho đại đa số người dân ngoài đê.
Để nhanh chóng triển khai quy hoạch trong thời gian tới, ông Phạm Quốc Tuyến cho rằng, các quận huyện cần khẩn trương lập bản vẽ những khu vực dân cư được tồn tại, chuyển Sở NN&PTNT - cơ quan quản lý chuyên ngành xác định. Bản đồ này sẽ là cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết và làm dự án tại các khu vực này nhằm phục vụ nâng cao đời sống người dân cũng như hoàn chỉnh cảnh quan hai bên sông Hồng theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.