Video: Ông Trần Đình Sỹ chia sẻ không kịp về nhìn mặt bố lần cuối vì đang ở trong khu cách ly.
Chờ thời gian trôi mau để về để tang bố
Khu cách ly tập trung tại Trung tâm bồi dưỡng Kiến thức Quốc phòng an ninh (Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) sáng 24/3, không khí sinh hoạt vẫn rộn ràng như mọi ngày. Các cán bộ chiến sĩ tất bật với công việc tiếp tế nhu yếu phẩm, dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị bữa trưa cho công dân cách ly.
Giữa không gian ấy, người đàn ông ngoài 50 tuổi dáng khắc khổ, lặng lẽ, trầm buồn. Ông là Trần Đình Sỹ (sinh năm 1969, quê xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đang nuốt nước mắt, nén nỗi đau vào lòng, chờ thời gian trôi mau để kết thúc cách ly, được về quê để tang bố.
Qua lớp khẩu trang nhưng chúng tôi cảm nhận được chắc chắn trên khuôn mặt ông đang chất chứa một nỗi buồn, nỗi đau vô tận. Khóe mắt ông chỉ chực chờ rơi lệ khi chia sẻ với chúng tôi câu chuyện phải để tang bố trong khu cách ly.
“Tôi lao động ở Malaysia đã 10 năm thì chỉ về quê được đúng 4 lần. Trong quá trình đi 10 năm ấy thì mẹ mất về không kịp, anh trai mất cũng không về được, đến em mất cũng không về được. Lần này bố mất cũng…”, ông Sỹ nghẹn lời.
Ông Sỹ có vợ, một người con đã lập gia đình đang ở quê. Ông và nhiều anh em, con cháu khác trong gia đình đang lao động xa. Vừa qua, khi người nhà điện sang Malaysia báo tin bố ốm nặng, ông gấp gáp mua vé máy bay về quê. Ngày 18/3, chuyến bay đưa ông về Đà Nẵng. Tại đây, ông và những hành khách nhập cảnh đều phải cách ly tập trung theo quy định.
“Tôi về hôm 18 thì đến ngày 22 gia đình gọi điện báo bố vừa mất lúc 10 giờ. Lúc ấy tôi rất buồn, muốn làm sao xin phép được về nhìn mặt bố lần cuối và tiễn đưa ông. Nhưng vì điều kiện trong đại dịch, anh em bộ đội động viên, tổ chức lập bàn thờ để tôi thắp hương cho bố. Phải chấp nhận để qua 14 ngày rồi về, phải chịu chứ làm sao được”, ông Sỹ chia sẻ.
Nén nỗi đau của riêng mình, tất cả vì cộng đồng
Ông Sỹ đã không về kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Anh trai và em mất, ông cũng không về được. Lần này, bố mất, ông cũng không về được để nhìn mặt và tiễn đưa bố về nơi chín suối. Người đàn ông ấy đã chịu đựng, kìm nén quá nhiều nỗi đau thương.
“Khi nghe tin bố mất, tôi nóng ruột cồn cào, muốn xin đơn vị về để tang bố. Quả thật lúc rơi vào hoàn cảnh đó, có lúc tôi cũng nghĩ đến chuyện trốn ra ngoài để về. Nhưng sau khi đơn vị trả lời và giải thích, bản thân tôi cũng ý thức được từ khi bước xuống sân bay là phải cách ly, dù mình bị hay không bị bệnh, thì tôi bình tâm lại… Tất cả vì cái chung, vì cộng đồng”, ông Sỹ tâm sự.
“Dù xa xôi nhưng tôi đã được tay cầm nén hương thắp tưởng nhớ bố. Tôi xin cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của đơn vị nơi cách ly. Giờ chỉ mong sớm xong cách ly để về để tang bố”, giọng ông nghèn nghẹn.
Đại úy Lê Bá Vương - Trợ lý Phòng Chính trị, Phó Chỉ huy trưởng Khung tiếp nhận Trung tâm bồi dưỡng Kiến thức Quốc phòng an ninh (Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) chia sẻ thêm: Ngày 18/3 tiếp nhận cách ly thì hôm sau ông Sỹ trao đổi với khung tiếp nhận việc bố ở nhà hấp hối. Cán bộ động viên rằng tình hình dịch bệnh hiện nay vì cái chung nên rất khó về, ông phải cố gắng gọi báo gia đình nói cách ly xong mới về được.
“Khi gia đình gọi vô nói bố mất, ông Sỹ lên trình bày nguyện vọng xin về để nhìn mặt bố lần cuối. Cán bộ tiếp nhận nguyện vọng và hướng dẫn chú Sỹ làm đơn, báo cáo lên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Đà Nẵng và được trả lời trường hợp này cực kỳ khó, bởi theo quy định của Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ là phải cách ly đủ 14 ngày mới được đi”, Đại úy Vương cho hay.
Cũng theo Đại úy Vương, khi nghe thông báo không về được, ông Sỹ rất buồn. “Ông Sỹ nói thôi không về được thì cho ông thắp nén hương vái vọng từ xa tạ tội với bố, sau hết cách ly sẽ về. Thỏa theo nguyện vọng, chúng tôi báo cáo lên trên, sau đó cử cán bộ đi mua hương hoa, chuẩn bị bàn thờ để chú Sỹ vái vọng bố, giúp vơi đi nỗi buồn này. Sau đó, bà con ở cùng phòng đang cách ly, rồi những người ở cùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đến động viên, chia buồn cùng chú”, Đại úy Lê Bá Vương chia sẻ thêm.
Đại úy Vương nói: “Đến nay, ông Sỹ đã an tâm được phần nào, nhưng nỗi buồn vẫn đượm sâu trên nét mặt, trong khóe mắt chú”.