Chương trình đã thu hút hàng trăm người là cán bộ tại Hội Tim mạch Việt Nam, Viện Tim mạch Quốc gia và Quỹ Vì Sức khỏe tim mạch, sinh viên của các trường đại học và người dân trên địa bàn TP Hà Nội.
|
Các đại biểu tham dự chương trình. |
Theo các nhà khoa học, mô hình bệnh tật của Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều sự thay đổi, các bệnh lây nhiễm đã và đang có hướng bớt đi, nhưng những bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, tiểu đường, ung thư có xu hướng tăng lên rõ rệt. Ước tính mỗi năm có 17,5 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh tim mạch, số người tử vong nhiều gấp hơn 4 lần so với tử vong của 3 bệnh lý là sốt rét, HIV/AIDS và lao. Tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới hiện nay có khoảng 960 triệu người, nhưng ước tính đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên là hơn 1,5 tỷ người mắc phải.
Tại Việt Nam, có khoảng 25,1 % mắc bệnh này, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc. Ở nhiều vùng có tỷ lệ lên tới 30 -40% người trưởng thành mắc bệnh huyết áp, tính trung bình có khoảng 15 triệu người. Ngoài ra, có khoảng 50% ngưới đã bị mắc bệnh tăng huyết áp mà không biết là mình mắc.
Phát biểu tại chương trình, GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, đây là hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới.
|
GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
“Bệnh tăng huyết áp là bệnh phổ biến trong cộng đồng, nhưng có thể kiểm soát được. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần điều chỉnh lối sống ngay từ khi còn trẻ, làm thế nào không ăn mặn, phải tăng cường rau củ quả, hạn chế uống rượu bia và tăng cường các hoạt động thể dục. Chương trình này cũng nhằm mục đích để nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng về bệnh tăng huyết áp, từ đó giúp cho mỗi người có một cuộc sống thư thái. Đặc biệt chúng ta hãy nhớ, cần đi khám sức khỏe định kỳ để nắm được số huyết áp của mình” - GS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.