Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Người dân vẫn có quyền nắm giữ vàng miếng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nắm giữ tài sản vàng miếng là quyền lợi hợp pháp của người dân và tiếp tục được pháp luật bảo vệ kể cả khi có nghị định mới, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quang Huy tuyên bố chiều nay.

KTĐT - Nắm giữ tài sản vàng miếng là quyền lợi hợp pháp của người dân và tiếp tục được pháp luật bảo vệ kể cả khi có nghị định mới, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quang Huy tuyên bố chiều nay.

Bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Quang Huy về vấn đề mua bán ngoại tệ và sở hữu vàng miếng của cá nhân được Ngân hàng Nhà nước công bố chiều nay (12/3), sau gần một tuần thị trường ngoại tệ tự do đóng băng và người dân hoang mang vì tin đồn sẽ không được sở hữu vàng miếng và ngoại tệ.

- Đang có thông tin người dân sẽ không được sở hữu vàng miếng và ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành nghị định mới về quản lý thị trường miếng. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Vàng, bao gồm cả vàng miếng theo quy định của pháp luật là tài sản của người dân. Theo các quy định hiện hành thì người dân được nắm giữ và mua bán vàng bình thường.

Trong Nghị quyết số 11 ban hành ngày 24/2, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước trong quý II trình dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu, tiến tới xoá bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Điều này có nghĩa Ngân hàng Nhà nước sẽ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP để điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường theo tinh thần của Nghị quyết 11 và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc nắm giữ vàng miếng với tư cách là tài sản tiếp tục được pháp luật bảo vệ.

Đối với các quyền về ngoại tệ của người dân, thì tại Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 13/12/2005 có quy định các cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng vào các mục đích hợp pháp khác. Công dân Việt Nam còn được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt.

Do vậy, thông tin nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở.

- Kể từ khi cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, quản lý thị trường ngoại tệ, một số người dân không mua được ngoại tệ để đáp ứng cho các nhu cầu của mình. Tại sao vậy thưa ông?

- Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu đã bán ngoại tệ cho ngân hàng, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện rõ rệt, tỷ giá dần ổn định hơn. Đồng thời, Bộ Công an đang triển khai các biện pháp quyết liệt chống hoạt động kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp. Do vậy, thị trường ngoại tệ tự do đã gần như không còn hoạt động.

Việc này có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người dân do có thói quen thực hiện giao dịch mua bán trên thị trường ngoại tệ tự do để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của mình.

- Như vậy, người dân cần làm gì để có ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của mình và Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề ngoại tệ tiền mặt của cá nhân thưa ông?

- Theo quy định, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh ... ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua. Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân.

Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch ngoại tệ tiền mặt cũng làm phát sinh nhiều chi phí cho các ngân hàng, như chi phí xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn ... Do vậy, có thể có một số ngân hàng còn dè dặt khi thực hiện bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân.

Một lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngoại tệ ở nước ngoài của người dân là sử dụng thẻ thanh toán quốc tế. Với hệ thống ngân hàng lớn, kết nối thông suốt với các tổ chức phát hành và thanh toán thẻ quốc tế, việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi đi công tác, chữa bệnh ở nước ngoài là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện, văn minh và an toàn.

Về nhu cầu ngoại tệ của cá nhân, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân có thể mua được ngoại tệ tiền mặt tại ngân hàng với giá hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu này, góp phần xóa bỏ hoạt động bất hợp pháp của thị trường ngoại tệ tự do.