KTĐT - Khi đi ngang qua nhà dân Zimbabwe, người ta có thể nhìn thấy những tờ đôla mệnh giá nhỏ được kẹp, treo trên dây phơi bên cạnh quần áo chăn màn.
Người dân Zimbabwe giặt đôla Mỹ với nước ấm mỗi khi nó trở nên cáu bẩn và bốc mùi vì tuổi thọ tờ tiền ở đây quá cao.
Tại châu Phi, đã nhiều năm nay đồng đôla Mỹ được ưu tiên hàng đầu vì lạm phát phi mã. Vào tháng 10/2008, lạm phát ở Zimbabwe lên tới 231 triệu phần trăm.
Ở Mỹ, mỗi năm Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiêu hủy khoảng 7.000 tấn tiền cũ nát. Cục cho biết tuổi thọ trung bình của tờ một USD tại Mỹ là khoảng 20 tháng. Còn ở châu Phi, tờ một USD có tuổi thọ cao hơn nhiều, có thể lên đến nhiều năm trời.
Sau quá trình trao đổi mua bán qua nhiều người, nhiều quốc gia, những tờ USD dạt sang châu Phi, nơi chúng được giắt trong cạp quần hoặc giày để ngăn chặn nạn cướp giật. Cho đến lúc nhiều tờ trở nên quá bẩn và bốc mùi, người dân phải đem đi giặt.
Khi đi ngang qua nhà dân Zimbabwe, người ta có thể nhìn thấy những tờ đôla mệnh giá nhỏ được kẹp, treo trên dây phơi bên cạnh quần áo chăn màn.
Theo người dân địa phương, tờ đôla Mỹ nên được giặt nhẹ nhàng với nước ấm. Tại một tiệm giặt là ở khu phía bắc thủ đô Harare, anh nhân viên Alex Mupondi cho hay giặt bằng máy cũng ít làm tổn hại tờ tiền, vốn được làm bằng chất liệu pha vải cotton. Những người có kinh nghiệm khuyên không nên giặt khô vì sẽ làm tờ tiền phai màu. Quá trình giặt phơi này mất khoảng 45 phút và sau đó, khuôn mặt Tổng thống Mỹ George Washington trên tờ 1 USD, Tổng thống Thomas Jefferson trên tờ 2 USD trở nên sạch sẽ hơn nhiều.
Tại châu Phi, đôla Mỹ được nâng niu như vàng. Các tờ đôla phổ biến nhất ở chợ có mệnh giá 1 USD, 2 USD. 5 USD và xa xỉ hơn là 10 USD. Những tờ tiền cáu bẩn được dùng để mua sắm, trả phí đi lại. Khi bẩn thì lại được giặt giũ và tái sử dụng cho đến khi chúng trở nên mục nát không thể nhìn rõ được nữa.
Đất nước này đang trong cơn "đói" tiền mới trầm trọng vì Zimbabwe không có thỏa thuận sử dụng tiền tệ chính thức nào với Mỹ. Tất cả những tờ USD đang lưu hành trên thị trường Zimbabwe đều lấy ra từ hệ thống các điểm thu đổi ngoại tệ mang tên Bueaux de Change hoặc có nguồn gốc không rõ ràng, theo nguồn tin từ AP.