Người đi bộ chống chế khi bị phạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/2, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã tổ chức ra quân xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông.

Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã nhắc nhở và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức của người tham giao thông và các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông thì chiến dịch này sẽ sớm rơi vào quên lãng.

Đánh liều… làm ẩu

Khoảng 10 giờ ngày 1/2, phóng viên đã cùng tổ công tác của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT có mặt trên đường Phạm Hùng, đoạn đường dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao để ghi nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ trong vòng 10 phút, các lực lượng chức năng đã nhắc nhở và xử lý gần 10 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu vào các lỗi như trèo qua dải phân cách, sang đường tại nơi không có vạch dành cho người qua đường, đi bộ trên đường cao tốc trên cao...
Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông.
Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông.
Trong khi đó, tại khu vực cổng bến xe Mỹ Đình - nơi có khá đông người dân qua lại đường Phạm Hùng nên vi phạm diễn ra nhiều vô kể. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 phút có mặt tại đây, theo ghi nhận của chúng tôi đã có hàng chục trường hợp người đi bộ bỏ mặc sự tồn tại của hầm bộ hành cách đó chưa đầy 100m, thản nhiên len lỏi giữa dòng phương tiện, thậm chí "chặn đầu" các phương tiện đang di chuyển để băng qua đường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

Điều đáng nói, khi được hỏi, hầu hết người đi bộ đều nhận thức được hành vi của mình là sai nhưng cho rằng “buộc” phải làm như vậy và đưa ra hàng loạt lý do để chống chế. Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền (Tứ Kỳ, Hải Dương), tại thời điểm kiểm tra, chị Huyền cho biết, xe sắp chạy, sợ lỡ chuyến nên vội quá nên đánh liều… làm ẩu.

Lỗi không của riêng người vi phạm?
Theo thống kê của Phòng CSGT, trong ngày đầu ra quân, các lực lượng chức năng đã xử lý 102 trường hợp người đi bộ vi phạm luật giao thông. Trong đó, đi không đúng phần đường quy định (29 trường hợp); vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định (71 trường hợp); mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông (2 trường hợp).

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, trong những ngày đầu triển khai xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông, lực lượng CSGT tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt. Thời gian sau, CSGT sẽ kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Trong trường hợp người đi bộ vi phạm mà không có giấy tờ tùy thân hay tiền nộp phạt thì sẽ bị đưa về Công an phường làm rõ lai lịch và lập biên bản theo quy định.

Ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu ra quân, hầu hết người vi phạm khi bị nhắc nhở đều hứa sẽ không tái diễn vi phạm. Thế nhưng, để những lời hứa này trở thành hiện thực, các lực lượng chức năng sẽ còn không ít việc phải làm. Anh Đặng Minh Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, việc xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông là cần thiết, nhưng các lực lượng chức năng cần xem xét lại cách tổ chức giao thông, điểm bố trí làn đường dành cho người đi bộ. “Đường Phạm Văn Đồng có mật độ phương tiện và người tham gia giao thông đông là thế nhưng khu vực dành cho đi bộ qua đường lại quá ít. Nếu đi đúng quy định, người dân sẽ phải mất 15 - 20 phút để qua đường, trong khi nếu đi sai quy định thì chỉ mất chưa đến một phút” - anh Thành chia sẻ.

Rõ ràng, đã đến lúc các lực lượng chức năng, đơn vị quản lý phải có những biện pháp đồng bộ để người dân có điều kiện sang đường đúng nơi quy định. Nếu không, nhiều người cho rằng, chiến dịch này sẽ sớm rơi vào cảnh “đá ném ao bèo” như đã từng xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần