Hàng nghìn cây tre mới có bờ xe nước
Ánh nắng ban mai xuyên qua kẽ lá, tạo thành những đốm sáng trên nền mảnh sân gạch của căn nhà cũ, nơi ấy, ông Mai Văn Quýt (78 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang cặm cụi chẻ tre, vót nan để hoàn thành bánh xe thứ 5 trong bờ xe nước gồm 9 bánh ông đang thực hiện.
“Bờ xe này có đường kính 2m, đã xong 4 bánh rồi, từ nay đến cuối năm ráng làm cho xong luôn 9 bánh. Tuổi cao, sức yếu, lại có một mình nên rảnh đâu làm đấy, thời trai trẻ thì chắc chắn sẽ làm nhanh hơn. Mà bờ xe này là nhỏ thôi, hồi trước thường đường kính lên đến chục mét”, ông Quýt cười hồn hậu.
Bắt đầu theo cha làm bờ xe nước từ khi còn là chàng thanh niên 16 tuổi, cho đến tận bây giờ, dưới bàn tay chai sần bởi tháng năm và nhiều lần bị tre cứa đứt của ông Quýt, đã có hàng chục bờ xe nước đủ kích cỡ được làm ra. Ngón tay trỏ- thường gặp nhiều thương tích nhất được bọc bằng miếng da đặc biệt. Đây cũng là vật dụng không thể thiếu trong hộp “đồ nghề” của ông.
“Tính ra thì làm bờ xe nước không phải là "nghề". Hồi trước, để sản xuất nông nghiệp thì đáp ứng đủ các yếu tố nước, phân, cần, giống. Bờ xe nước được làm để đưa nước từ sông vào ruộng. Lúc tôi còn nhỏ, dọc sông Trà này có đến hơn ba mươi bờ xe nước”, ông Quýt nhớ lại.
Để làm được bờ xe nước, ông nhẩm tính phải tốn mất hàng nghìn cây tre già tuổi, được chọn lựa, xử lý kỹ càng để tăng tuổi thọ và chống mối mọt. “Thường phải chọn tre già, ít nhất là 6 năm tuổi, nhiều hơn là 10, 12 năm. Tre mua về phơi thật khô, tiếp đến ngâm nước 6 tháng, rồi lại vớt lên phơi khô lần nữa. Sau đó mới chẻ, vót… để làm. Trục của bánh xe làm bằng lõi cây mù u, kháng nước tốt. Nếu không xảy ra sự cố, bờ xe nước có tuổi thọ lên tới vài chục năm”, ông Quýt nói.
Theo ông Quýt, việc xây dựng bờ xe nước không khó, cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.
Mỗi bờ xe đặt trên sông như thế có khoảng 9-10 bánh xe, mỗi bánh có đường kính khoảng 10-12m. Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước về đồng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh, bờ xe nước sông Trà là biểu tượng về hình ảnh con người Quảng Ngãi cần cù, sáng tạo, chịu đựng mưa nắng để mang lại lợi ích cho đời. Ông Mai Văn Quýt là một trong những người cuối cùng ở tỉnh này còn lưu giữ được kỹ thuật, cách làm truyền thống về bờ xe nước.
Cái độc đáo nhất của bờ xe là người thợ phải đặt các ống tre làm sao để khi bánh xe tiếp xúc với nước, các ống tre múc được nước lên. Cứ như thế, lực nước chảy sẽ đẩy bánh xe quay đều theo năm tháng. Dù không tốn nhân công vận hành nhưng bù lại, việc xây dựng bờ xe đòi hỏi rất công phu và hoàn toàn làm thủ công.
Giữ ký ức về một biểu tượng
Cho đến bây giờ, dù bờ xe nước đã bị xóa bỏ gần 30 năm, thay thế bằng những công trình hiện đại hơn, nhưng ký ức về một bờ xe, công trình "dẫn thủy nhập điền" thuở nào vẫn còn vẹn nguyên trong ông tâm trí ông Quýt và nhiều người dân Quảng Ngãi.
Nhà nằm ở gần sông Trà, tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước. Vùng ven sông Trà thời trước, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trong khi vụ Đông Xuân hoàn toàn nhờ "nước trời", thì vụ Hè Thu nắng nóng, thường xảy ra thiếu nước, khô hạn. Bởi vậy, bờ xe nước có vai trò rất quan trọng, giúp đưa nước từ sông vào ruộng để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng. Mỗi bờ xe có một nhóm người quản lý gồm 7 thành viên, được dẫn đầu bởi 1 đoàn trưởng.
“Ông nội, rồi ba tôi đều làm đoàn trưởng, đến đời tôi là đời thứ ba. Khi mùa vụ hoàn tất, nhóm quản lý này sẽ được dân trả công bằng khoản 1/3 sản lượng lúa thu hoạch trên mỗi diện tích sử dụng nước xe”, ông nhớ lại.
Nhiều năm gắn bó với bờ xe nước và đảm nhiệm đoàn trưởng, ông Quýt cũng có kha khá kỷ niệm về những lần chia nước cho bà con. Hoặc có năm, nước vào ruộng ít, mùa màng thất bát, ông Quýt không dám ló mặt ra đồng, sợ dân hỏi tội. Lại có năm, nước vừa đưa lên ruộng mấy ngày thì gặp lũ tiểu mãn, bờ xe bị cuốn trôi mất mấy bánh xe, cả làng xúm lại cùng sửa chữa và làm các bánh khác bù vào, cho kịp mùa vụ.
Đấy là giai đoạn trước năm 1996, về sau này, khi công trình thủy lợi Thạch Nham được đưa vào vận hành, bờ xe nước chính thức kết thúc “sứ mệnh lịch sử”.
Theo nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Cao Văn Chư, bờ xe nước là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi khi xưa, thể hiện sức sáng tạo vô hạn của cộng đồng dân cư gắn liền với nông nghiệp. Từ Bắc vào Nam đều có bờ xe nước, nhưng khi nhắc đến nó người ta nghĩ ngay đến Quảng Ngãi, bởi nơi đây có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn tập trung ở sông Vệ và sông Trà.
Hụt hẫng và tiếc nuối, ông Quýt âm thầm gìn giữ bờ xe nước- biểu tượng một thời của Quảng Ngãi- theo cách riêng. Không còn là những bờ xe đồ sộ, ông chuyển hướng sang làm những mô hình bờ xe thu nhỏ, đường kính từ 2-4m đặt tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…
Mỗi bờ xe mô hình như thế có từ 2-4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống hệt bờ xe ngoài thực tế. Người thợ phải làm sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể "múc" nước và quay đều.
"Cái khác ở đây là một số nguyên liệu dùng làm bờ xe. Hồi xưa các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc lại bằng dây lạt, dây mây, còn tôi làm mô hình thì làm bằng dây kẽm, dây đồng, dây cước... buộc các chi tiết của bánh xe lại với nhau để tăng tuổi thọ sản phẩm. Còn nếu đem bờ xe đặt chỗ nước chảy vừa đủ mạnh, nó vẫn quay đều đặn”, ông Quýt nói.
Đã có nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch ở Quảng Ngãi, thậm chí khách hàng ở Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, cũng đặt hàng ông Quýt làm bờ xe đem về trưng bày.
"Ngoài việc làm bờ xe để kiếm thêm thu nhập, cái quan trọng nhất là có được niềm vui tuổi xế chiều. Chỉ mong bờ xe nước 9 bánh đang làm đây sẽ được đưa ra trưng bày, triển lãm công khai cho nhiều người biết đến, để nhớ về một giai đoạn lịch sử của Quảng Ngãi. Đó cũng xem như là tâm nguyện cuối cùng của tôi”, ông Quýt nói.