Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người gửi tiết kiệm xót xa vì lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lãi suất tiền đồng khống chế ở 14%, nay lại còn không được hưởng kiểu tiết kiệm lãi suất linh hoạt, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang xót xa khi đến ngân hàng.

KTĐT - Lãi suất tiền đồng khống chế ở 14%, nay lại còn không được hưởng kiểu tiết kiệm lãi suất linh hoạt, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang xót xa khi đến ngân hàng.

Sáng nay, chị Hạnh (phố Thụy Khuê, Hà Nội) đến một ngân hàng cổ phần để gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng sản phẩm lãi suất linh hoạt. Tuy nhiên, chị được cô nhân viên giao dịch thông báo là theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng rút tiền trước hạn chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn chứ không được tính theo thời gian thực gửi. Vì thế, nhà băng không được phép cung cấp sản phẩm lãi suất linh hoạt.

Bực mình vì không được gửi sản phẩm ưa thích, chị hỏi thêm về mức khuyến mại thì nhân viên cũng nói luôn là lãi suất cuối cùng là 14% một năm và không có gì thêm. Khi chị Hạnh vặn cô nhân viên về khoản tiền gửi trước được 17% và người bạn mới gửi trước đó một tuần tại đây còn được 17,5% thì nhận câu trả lời: “Giờ khác lắm chị ạ. Chúng em mà đưa ra lãi suất như trước là Ngân hàng Nhà nước cách chức giám đốc, đóng cửa phòng giao dịch của em luôn”.

“Lạm phát đang tăng cao, chúng tôi gửi tiền vào ngân hàng để giữ tài sản và kiếm chút lãi. Ngân hàng thương mại họ cũng đồng ý trả lãi suất cao cho chúng tôi thì tại sao lại cấm?”, chị Hạnh than.

Nếu như trước đây, người gửi tiền khi rút trước hạn vẫn được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi hoặc kỳ hạn gần nhất liền kề đó thì giờ đây họ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Cũng vì lý do này, khả năng chuyển đổi khoản tiền gửi của khách hàng khi lãi suất trên thị trường tăng cao là không có bởi khi rút ra, thiệt hại là rất lớn.

Trong khi đó, bác Hòa – một người về hưu tại phố Đội Cấn (Hà Nội) bộc bạch: “Tôi cứ thấy mấy ông chuyên gia kinh tế nói là phải hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp, giúp họ có giá vốn thấp. Thế nhưng, lạm phát cao thì ai cứu chúng tôi khi mà nhiều người về hưu sống nhờ vào khoản tiền lãi gửi tiết kiệm. Tại sao không có ai lên tiếng nói rằng quyền lợi của những người về hưu như chúng tôi đang bị xâm phạm?”.

Trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ra các quy định kiểm soát chặt thị trường tiền tệ như áp dụng lãi suất trần huy động tiền đồng 14%, áp dụng lãi suất thấp nhất cho các khoản tiền gửi rút trước hạn, kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ tự do… Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, những biện pháp này đem lại những hiệu ứng tích cực cho thị trường tiền tệ nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi.

“Việc người gửi tiền phải chấp nhận lãi suất thấp hơn mức các nhà băng có thể đưa ra, kèm điều kiện gửi ngặt nghèo hơn là một ví dụ”, phó tổng giám đốc một nhà băng quốc doanh nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội phân tích, về mặt bản chất, chính sách nào cũng có tính 2 mặt chứ không bao giờ tốt cho tất cả mọi người. Nếu như đặt mục tiêu làm ổn định thị trường tiền tệ, chống lạm phát và lại có mức lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp thì chắc chắn phải có ai đó phải hy sinh bớt quyền lợi. Ông này cho rằng, người gửi tiền, các nhà băng nhỏ và vừa sẽ là những đối tượng bị thiệt hại bởi quy định mới. “Còn những ông lớn ngân hàng, các doanh nghiệp vay được vốn là những người hưởng lợi to”, ông này nói.

Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa ở TP HCM thì cho rằng, người gửi tiền kỳ vọng lãi suất cao khi lạm phát cao là đúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mức kỳ vọng lãi suất thực dương quá cao làm cho thị trường không lành mạnh. “Nếu mức lạm phát dự kiến khoảng 12% thì lãi suất 14% cũng là thực dương rồi. So với nhiều nước khác trên thế giới thì lãi suất Việt Nam đang cao bất thường. Tại Trung Quốc, Mỹ…, ngân hàng đều huy động vốn với lãi suất thực âm (thấp hơn tỷ lệ lạm phát)”, ông này nói. Dù vậy, ông này bổ sung thêm: “Kéo lãi suất xuống là đúng nhưng cách làm như thế nào cho mang tính thị trường sẽ tốt hơn là toàn dùng biện pháp hành chính như hiện nay”.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, chính sách đưa ra khó có thể phù hợp hết với lợi ích của mọi đối tượng. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì phải đặt các thứ tự ưu tiên và lợi ích của quốc gia nên được đặt lên hàng đầu”, ông này nói.