Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bùng nổ chương trình liên kết quốc tế:

Người học cần cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng chục năm nay, các chương trình liên kết quốc tế trong tuyển sinh đại họcđược đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm. Khẳng định đây là xu hướng tích cực trong thời kỳ giáo dục mở nhưng các chuyên gia cũng khuyên phụ huynh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký cho con.

Ưu việt đi kèm chi phí khủng

Chương trình liên kết quốc tế được giới thiệu có rất nhiều ưu điểm khi giúp sinh viên chuẩn bị kỹ càng kiến thức và kỹ năng (kiến thức nền tảng, kỹ năng học tập bậc đại học, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường quốc tế…).

Theo học chương trình này, sinh viên được học tập chương trình quốc tế thiết kế bởi các đại học xếp hạng cao thế giới và học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh); được lựa chọn linh hoạt ngành và chuyên ngành, mô hình học tập; tối ưu hóa thời gian và chi phí học tập…

Khi nghiên cứu chương trình liên kết, ngoài vấn đề đào tạo, bằng cấp, cơ hội nghề nghiệp thì vấn đề học sinh và phụ huynh quan tâm nhất là chi phí học tập và yêu cầu về ngoại ngữ…

Thông thường, sinh viên học chương trình liên kết hoàn toàn bằng tiếng Anh nên yêu cầu ngoại ngữ đầu vào khá cao (từ 5.0 - 5.5 IELTS trở lên); cùng với đó, sinh viên sẽ có một học kỳ học dự bị đại học để luyện tiếng Anh và làm quen chương trình.

Chương trình liên kết quốc tế đã trở thành xu hướng của giáo dục đại học tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Chương trình liên kết quốc tế đã trở thành xu hướng của giáo dục đại học tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2024, sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 với ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Sinh viên học 2 năm tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và 2 năm tại ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây. Khi hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng của hai trường.

Ngoài ra, sinh viên trúng tuyển nhập học các ngành: Quản trị kinh doanh, Marketing, Quản trị khách sạn có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 với ĐH Bách khoa Quế Lâm (Trung Quốc). Sinh viên học 2 năm tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và 2 năm tại ĐH Bách khoa Quế Lâm. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng của hai trường.

Trường ĐH Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với ĐH Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.

Năm 2024, Trường ĐH Thương mại mở các chương trình liên kết đào tạo du học quốc tế với các trường đại học đối tác như: ĐH La Trobe, ĐH Western Sydney, ĐH Western Australia (Úc); ĐH Massey (New Zealand). Nếu theo học các chương trình này, sinh viên sẽ có một giai đoạn học tập tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp học tập và nhận bằng tại các trường ĐH kể trên. Chi phí dự bị đại học khoảng 22 triệu đồng/học kỳ và 88 triệu đồng đồng đối với sinh viên chuyên ngành. Sang giai đoạn 2 (học tại các trường ĐH nước ngoài), học phí dao động từ 30.000 - 50.000 USD/năm học.

Căn cứ nào đánh giá chất lượng?

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho biết: hợp tác quốc tế trong đào tạo là hướng đi phù hợp trong bối cảnh các trường được quyền tự chủ và hội nhập ngày càng sâu rộng. Chương trình liên kết cũng mở rộng cơ hội tiếp cận với dịch vụ, chất lượng giáo dục quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là bài toán đặt ra đối với nhiều người.

“Trước khi đăng ký chương trình liên kết quốc tế cho con, tôi cũng tìm hiểu khá kỹ thông tin do nhà trường cung cấp. Nhà trường nói tốt thì tôi biết tốt chứ không có cơ hội kiểm chứng hay xác nhận chất lượng các chương trình đạo tạo trên thực tế”, anh Ngô Hoài Nam, trú tại Đống Đa - Hà Nội chia sẻ.

Về vấn đề chất lượng chương trình, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Ngoại thương) cho rằng, có nhiều cách để đánh giá chương trình liên kết bảo đảm chất lượng hay không; chẳng hạn dựa vào uy tín của cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Uy tín càng cao thì chất lượng càng tốt. Theo đó, các trường phải tuân thủ quy trình chặt chẽ trong việc kiểm soát chất lượng để không bị đánh mất thứ hạng của mình đã dày công xây dựng.

Với Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ngoài lựa chọn đối tác có uy tín trên các bảng xếp hạng và chương trình đào tạo phải được kiểm định tại nước sở tại, nhà trường còn xem xét đến những yếu tố thế mạnh của đối tác và hỗ trợ đào tạo các ngành trong nước ở từng thời điểm.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Anh Dũng cho biết, Luật Giáo dục ĐH đã dành một điều quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 45). Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng có Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh phù hợp với xu thế tự chủ và ứng dụng công nghệ trong giáo dục ĐH. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu giảng viên là người nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo; từ đó giúp các trường có căn cứ tính toán nguồn lực bảo đảm chương trình có chất lượng.

Bộ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chỉ tiêu về cấp văn bằng chứng chỉ, chương trình liên kết đào tạo và lắng nghe ý kiến phản ánh từ các cơ sở đào tạo.

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng các chuyên gia khuyến nghị, trước khi đăng ký học chương trình liên kết quốc tế, phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ để chọn trường ĐH nước ngoài có chất lượng tốt; tránh việc chỉ nghe theo giới thiệu một chiều khiến mất tiền, mất thời gian mà bằng cấp và chương trình không bảo đảm chất lượng.

 

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tháng 9/2023 có khoảng 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam với đối tác nước ngoài và có trên 25.000 sinh viên theo học các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài trong phạm vi cả nước. Điều đó chứng tỏ, học chương trình liên kết quốc tế đã và đang trở thành xu hướng "nóng" hiện nay.