Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người khuyết tật vẫn khó tiếp cận công trình xây dựng, giao thông công cộng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch trợ giúp người khuyết tật (NKT), tuy nhiên, đối tượng người yếu thế này vẫn khó tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông công cộng bởi những lý do khác nhau.

Những rào cản

Ngày 16/11, Hội NKT Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng đối với NKT: Thực trạng và giải pháp”. Chủ tịch Hội NKT Dương Thị Vân chủ trì tọa đàm cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động thúc đẩy thực hiện Luật NKT và Kế hoạch trợ giúp NKT TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030 trong lĩnh vực xây dựng và cải tạo chung cư, công trình công cộng và công trình giao thông công cộng đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Trần Oanh.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Trần Oanh.

Hiện nay, toàn TP Hà Nội có trên 111.173 NKT, trong đó có 17.125 NKT đặc biệt nặng, 75.791 NKT nặng và 16.359 NKT nhẹ. Để NKT ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, UBND TP Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch trợ giúp NKT và phân công các sở ngành thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trợ giúp NKT. TP Hà Nội đã ban hành Bộ thiết kế mẫu nhà ở, Bộ thiết kế mẫu hè đường đô thị áp dụng lập dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn TP.

Báo cáo của Sở Xây dựng, trong những năm gần đây, các công trình cải tạo, công trình công cộng mới đều có thiết kế theo quy định, giúp cho NKT dễ dàng tiếp cận sử dụng… Mặc dù hồ sơ thiết kế xây dựng đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định và cơ bản đáp ứng quy chuẩn; tuy nhiên quá trình thi công vẫn còn những bất cập chưa phù hợp. Tại một số tuyến phố trên địa bàn đã được UBND các quận đầu tư cải tạo, chỉnh trang lại, bổ sung gạch lát dẫn hướng, đường dốc cho NKT tiếp cận nhưng chưa đảm bảo được kết nối với phần đường dành ưu tiên cho người đi bộ qua đường; gạch hướng dẫn cho người khiếm thị đâm thẳng vào gốc cây hoặc cột điện.

Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐTB&XH Hà Nội Phạm Thị Thu Hằng đề xuất tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐTB&XH Hà Nội Phạm Thị Thu Hằng đề xuất tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận. Ảnh: Trần Oanh.

Trưởng phòng Kỹ thuật hạ tầng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải Vũ Quý Kiên cho biết, rất ít công trình công cộng phục vụ cho việc đi lại của NKT được xây dựng đảm bảo tính tiếp cận. Vỉa hè có lát gạch dẫn đường cho người khiếm thị nhưng NKT vẫn khó tham gia giao thông do hè phố bị hàng quán lấn chiếm hoạch bị chiếm dụng làm chỗ giữ xe. Các bến xe, nhà ga hiện chưa có hệ thống chỉ dẫn bằng âm thanh. Lối sang đường không có bảng hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị. Cầu vượt dành cho người đi bộ được thiết kế bậc khá cao nhưng lại không có đường dốc cho xe lăn, rất khó cho NKT vận động. Đối với các phương tiện giao thông công cộng, hiện nay một số xe buýt được lắp đặt cầu trượt, bố trí khu vực cho NKT sử dụng xe lăn nhưng họ rất khó sử dụng do không tương thích với hạ tầng.

Đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại buổi tọa đàm đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của NKT chia sẻ những khó khăn khi tham gia phương tiện giao thông công cộng, công trình xây dựng công cộng và có những kiến nghị để hòa nhập cộng đồng. Từ kết quả khảo sát thực tế 50 công trình xây dựng và giao thông công cộng, Hội NKT Hà Nội đề xuất: UBND TP Hà Nội hoàn thiện và thúc đẩy việc thực hiện các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tiếp cận cho mọi NKT ở mọi công trình công cộng, giao thông nói riêng và tiếp cận xã hội nói chung. TP tăng cường xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định về công trình giao thông tiếp cận và phương tiện giao thông. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các tổ chức NKT trong việc xây dựng thực thi và giám sát chính sách liên quan đến NKT.

Ông Lê Viết Tụng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh đề nghị các khu vực hành chính ở xã, huyện cần có lối tiếp cận cho người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.
Ông Lê Viết Tụng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh đề nghị các khu vực hành chính ở xã, huyện cần có lối tiếp cận cho người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.

Để NKT ngồi xe lăn di chuyển bằng xe buýt thuận tiện, trong thời gian tới việc quan tâm, hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho NKT tiếp cận các loại hình vận tải nói chung và xe buýt nói riêng cần có sự chung tay góp sức hành động của toàn xã hội; nhất là các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn TP Hà Nội. Từ quan điểm này, ông Vũ Quý Kiên cho rằng: Muốn giải quyết được vấn đề nêu trên, các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống VTHKCC trên địa bàn Thủ đô cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và quyết liệt bắt tay hành động.

Cụ thể là, thường xuyên tuyên truyền đến đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt về Luật NKT, tổ chức các lớp đào tạo đến đội ngũ phục vụ để có thể giúp đỡ, hỗ trợ NKT sử dụng phương tiện VTHKCC nói chung và bằng xe buýt nói riêng. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận lấy ý kiến của NKT đối với các nội dung cải thiện hạ tầng VTHKCC, mời NKT trải nghiệm dịch vụ xe buýt để có cơ sở thực tiễn tổng cải tổ loại hình vận tải này thân thiện hơn. “Giải pháp trước mắt cần phải thực hiện ngay là khảo sát toàn bộ hệ thống điểm dừng xe buýt để lập kế hoạch triển khai thực hiện việc tạo lối lên xuống cho NKT” – ông Vũ Quý Kiên nhấn mạnh.

Xe buýt 86 không có đường dốc cho xe lăn lên xuống nên nếu bạn sử dụng xe lăn thì sẽ được khiêng lên xe. Ảnh: dulichtiepcan.com
Xe buýt 86 không có đường dốc cho xe lăn lên xuống nên nếu bạn sử dụng xe lăn thì sẽ được khiêng lên xe. Ảnh: dulichtiepcan.com

Đại diện cho Sở LĐTB&XH Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các đơn vị là chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, cải tạo sửa chữa đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để NKT dễ tiếp cận. Các đơn vị tư vấn cần tiếp tục nâng cao chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu về đảm bảo cho NKT sử dụng.