Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người mẹ thứ hai

Huyền Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con người, chắc hẳn ai cũng từng một lần được cắp sách đến trường, ai cũng có một người thầy, người cô kính mến của long mình để thương, để nhớ về. Ngày 20/11 là cơ hội để mọi người bày tỏ tình cảm, long biết ơn sâu sắc đến thầy cô.

Từ khi mở mắt chào đón cuộc đời, có lẽ ai cũng cảm nhận được tình cảm thiêng liêng vô giá của cha, của mẹ và những người ruột thịt. Năm tháng qua đi, những tình thương ấy nuôi nấng tôi nên người và lúc ấy, tôi tưởng rằng trong cuộc đời này chỉ có cha mẹ là những người dành cho mình tình yêu thương vô bờ bến nhất. Nhưng không, từ khi được cắp sách tới trường, tôi mới biết trong cuộc này, những người đồng hành cùng tôi trong suốt một quãng đời không chỉ có cha mẹ, mà còn có những người thầy, cô mà người ta thường nói: “ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”. Thật đúng như vậy, khi tôi trở thành sinh viên khoa Điều dưỡng trường Đại học Đại Nam thì cô trưởng khoa của tôi giống như người mẹ thứ hai của tôi.
 PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết đang hướng dẫn sinh viên.
Cô đã dìu dắt tôi, chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã cho chúng tôi những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và cả vào nghề nghiệp vì cô vẫn nói: “ Người Điều dưỡng phải là người truyền lửa cho bệnh nhân, là một người có thể biến thế gian trở thành 1 thiên đường đầy hoa hồng và ngược lại, có thể biến thế gian này trở thành 1 địa ngục nếu như các em không có lương tâm.”. Phải chăng những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người hướng đạo. Vâng, họ đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt người sinh viên từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Đã có ai đó nói rằng: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia.’’ Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hiệu phó kiêm trưởng khoa Điều dưỡng trường đại học Đại Nam đã phải vượt qua nhiều chặng đường gian khổ trong học tập cũng như trong công tác.
 
Cô đã từng là giảng viên của Học viện Quân Y, Học viện Y dược học cổ truyền, cô đã từng tham gia nhiều chức vụ lãnh đạo của bệnh viện và cũng như của các trường và cuối cùng cô đã dừng chân lại trường Đại học Đại Nam để mang kiến thức của mình truyền đạt lại cho thế hệ chúng tôi. Chúng tôi vô cùng kính mến và biết ơn cô. Chúng tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh khi cô đứng trên bục giảng với tác phong nhanh nhẹn, nghiêm trang, giọng nói mạch lạc, truyền cảm, khi giảng cô luôn dẫn chứng những trường hợp bệnh lý gặp trong thực tế để cho chúng tôi thảo luận và đưa ra những kinh nghiệm khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi vì trong trái tim cô chỉ có duy nhất một khát khao đó là uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ sinh viên chúng tôi thành người thành những điều dưỡng giỏi tay nghề. Chúng tôi nghĩ rằng nếu như không có lòng yêu thương dành cho sinh viên của mình, thì liệu côcó tận tình, hi sinh nhiều như vậy được không. Và chỉ có người mẹ mới có tình yêu thương ấy.

Sắp đến ngày 20/11- ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi- những sinh viên điều dưỡng với tình cảm của những học trò, của những người con luôn kính chúc cô người mẹ thứ 2 khỏe mạnh, tiếp tục sự nghiệp chèo đò của mình để thế hệ sau luôn được cô truyền đạt những kiến thức làm người, làm nghề.