Người người háo hức mua muối đầu xuân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 6h sáng, hàng loạt tiếng rao "Ai muối nào..." xuất hiện trong ngõ hẻm khu tập thể Vĩnh Hồ. Nhiều người dân đang say giấc cũng mở cửa để mua cái "hên".

KTĐT - 6h sáng, hàng loạt tiếng rao "Ai muối nào..." xuất hiện trong các ngõ hẻm khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội). Nhiều người dân đang say giấc cũng mở cửa để mua cái ... "hên".

Sáng mùng 1 Tết, khi mặt người còn chưa rõ, tiếng rao bán muối xuất hiện ở nhiều tuyến phố Hà Nội. Dù có nơi rao bán 20.000 đồng được một nhúm muối nhưng ai cũng phấn khởi và chúc nhau những điều tốt đẹp đến người bán.

6h sáng, hàng loạt tiếng rao "Ai muối nào..." xuất hiện trong các ngõ hẻm khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội). Nhiều người dân đang say giấc cũng mở cửa để mua cái ... "hên".

Quần áo xộc xệch, mắt nhắm mắt mở, cầm tờ 20.000 đồng polyme mới cứng trên tay, anh Tuấn chạy ào từ tầng 2 khu tập thể E5 Thái Thịnh xuống hào hứng đưa cho người bán. Nam thanh niên 30 tuổi không quên chúc sức khỏe, hạnh phúc đến người được xem đi làm sớm nhất trong năm.

"Tôi chỉ nghe các cụ dặn lại là đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Còn thực hư thế nào chưa được rành lắm...", vị khách tủm tỉm nói. Anh cho biết, trước đó, năm nào mẹ anh cũng dậy sớm chờ những người bán muối dạo đi qua phố để mua.

Không riêng anh Tuấn, nhiều người đi lễ chùa về sớm cũng dừng chân bên thùng hàng lưu động của chị Trần Thị Hiếu (45 tuổi) ở Mễ Trì, Hà Nội để mua. Cầm túi muối với giá 5.000 đồng chỉ được một nhúm, bà Phúc không chút phàn nàn. Bà vui vẻ kể về phong tục đẹp của người dân Việt cặp vợ chồng trẻ đứng cạnh bên đang mua hàng.

"Mua muối ngày đầu năm không chỉ có ý nghĩa về văn hóa ẩm thực mà còn có ý nghĩa về tình cảm. Bởi muối là thứ mặn, thể hiện sự đậm đà cho các mối quan hệ trong gia đình...", bà Phúc nói. Chính lý giải đó, theo bà lão ở tuổi 67, nhiều gia đình nếu không mua được muối ngày mùng 1 Tết, ngày đầu tiên đi chợ trong năm họ sẽ gắng mua lấy ít muối.

 
Mỗi khách hàng đến mua muối, thiếu nữ mặc chiếc áo mưa nhằm tránh rét không quên gửi những lời chúc mừng dịp Xuân đến. Ảnh: Bích Ngọc.

Thấy những vị khách dễ tính, chị Hiếu cởi lòng tâm sự, vài năm nay, sáng sớm mùng 1 Tết chị lại mang hơn 20 kg muối đi bán. Thay vì cò kè như những ngày thường, người phụ nữ đi chiếc xe đạp cà tàng cho hay, ngày Tết ít khách mặc cả. "Đong bao nhiêu họ lấy bấy nhiêu thôi. Người thì 5.000, người thì 10.000 thậm chí 20.000 đồng", chị Hiếu chia sẻ.

Cũng theo người phụ nữ với dáng vẻ lam lũ, sau chuyến hàng này chị sẽ có thêm chút tiền để chi tiêu cho con trong việc học tập.

Thay vì phải dậy sớm đi bán muối dạo như chị Hiếu, nhiều người mang hàng thúng đến bán tại các cổng đền, chùa ở Hà Nội. Người thì bán theo bát (5.000 đồng), người thì đóng vào những túi nilon nhỏ với giá 3.000 đồng - 10.000 đồng. Số khác thì đóng vào túi giấy được in sẵn với chữ "Chúc mừng năm mới"...

"Bán ở đây thích lắm. Hầu hết ai đi chùa ra cũng mua cho cháu. Chỉ cần vui vẻ gửi lời chúc mừng đầu năm là họ chẳng mặc cả đâu...", cô gái bán hàng ở cổng Tổ đình Phúc Khánh bật mí bí quyết làm ăn của mình.

Cô gái 16 tuổi cho biết, đây là lần thứ hai đi bán mặt hàng này đúng ngày đầu năm. Toàn bộ số tiền lãi đều được bố mẹ cho phục vụ việc học tập.

Để thu hút người mua, một số chủ kinh doanh mặt hàng này còn khéo léo đóng muối vào các túi vải màu đỏ rồi gắn ông thần tài loại nhỏ lên bán với giá 20.000 đồng.  

Theo quan niệm: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì cho rằng vôi trắng - thể hiện sự bạc bẽo. Vôi chỉ được mua vào dịp cuối năm dùng để quét lại nhà, cho sạch sẽ để chuẩn bị chuẩn bị đón năm mới và hi vọng xóa đi những điều không hay trong năm cũ.

Tục lệ này ngày nay giới trẻ ít quan tâm đến. Tuy nhiên, nhiều gia đình người Việt vẫn luôn nhắc nhở và truyền lại cho con cháu quan niệm đẹp đã có từ lâu đời.