Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Nhật "chơi" kim cương nhân tạo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm đang bắt đầu phổ biến ở Nhật Bản, khi ngày càng nhiều người quan tâm đến loại đá gần như không thể phân biệt được về mặt vật lý và hóa học với kim cương tự nhiên.

Kim cương nhân tạo Ex Type 2A. Ảnh: Instagram @lk_salon_private.

Được bán với giá chỉ bằng một nửa so với loại đá quý tự nhiên tương tự, kim cương nhân tạo được tổng hợp bên trong buồng vi sóng - được làm nóng thành một khối plasma phát sáng kết tinh trong nhiều tuần. Vì chất lượng và độ trong của chúng, người tiêu dùng bắt đầu chú ý hơn đến loại đá này như một sự thay thế cho kim cương khai thác tự nhiên.
Theo một báo cáo của Bain & Co., năm 2020, sản lượng kim cương nhân tạo đã đạt mức 6 - 7 triệu carat, phần lớn doanh số đến từ Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác.
Shigeyuki Ishida - Giám đốc đại diện của Hiệp hội phát triển kim cương Nhật Bản, nói với Bloomberg: "Tôi đoán rằng chúng tôi thậm chí có 1% thị phần ở ngay tại đây, vì nguồn cung ít và thị trường bán lại còn hạn chế. Nó sẽ phát triển từ đây".
Mayumi Kawamura, một người bán kim cương nhân tạo trực tuyến, đang đặt cược rằng người tiêu dùng Nhật Bản có thể là động lực thúc đẩy doanh số bán kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Đó sẽ là giải pháp thay thế về cả kinh tế, môi trường và đạo đức cho khai thác đá tự nhiên - vốn từ lâu đã dẫn đến các xung đột tại châu Phi và thảm họa môi trường to lớn.
Instagram là nền tảng Kawamura lựa chọn để kinh doanh mặt hàng thời trang bền vững. Không chỉ quảng cáo dây chuyền, hoa tai và vòng tay nạm kim cương nhân tạo, cô còn bán trực tiếp cho khách hàng trên nền tảng chia sẻ ảnh và cho phép nhắn tin, với những món đồ có thể lên tới 7,75 triệu yên (khoảng 70.400 USD).
Năm 2018, De Beers - công ty con của Anglo American Plc - đã thông báo việc sẽ bắt đầu bán đồ trang sức bằng kim cương nhân tạo với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá của những viên đá quý được khai thác. Quyết định được xem là một sự thay đổi hoàn toàn của nhà khai thác kim cương lớn nhất thế giới, từng kiên quyết từ chối bán đá nhân tạo trong nhiều năm trước đó.
Một số công ty kim hoàn khác như "gã khổng lồ" Đan Mạch Pandora, cũng đã bắt đầu cung cấp kim cương nhân tạo. Tuy nhiên, Hiệp hội Trang sức Nhật Bản nói rằng họ "không coi kim cương tổng hợp (trong phòng thí nghiệm) là đá quý, vì chúng là do con người tạo ra và không khan hiếm".
Hisao Kato, giám đốc cấp cao của hiệp hội, nói thêm rằng, nhiều người chơi trên thị trường truyền thống có cùng quan điểm này và nhiều người tiêu dùng cũng đồng tình. Tuy nhiên, Kawamura khẳng định điều này sẽ thay đổi: "Tôi xem đó là sứ mệnh của mình, để thay đổi quan niệm đó".