Từ 1.600 cây giống cao su đầu tiên được ươm mầm ở Vườn thực vật Sài Gòn năm 1897 do dược sĩ Raoul mang về, nhà bác học A. Yersin cùng kỹ sư nông nghiệp Vernet đã thực nghiệm thành công việc trồng và khai thác mở đầu dựng nên ngành cao su ở Nam Kỳ thời thuộc Pháp và phát triển đến ngày nay trên phạm vi cả nước.
Từ những cây giống đầu tiên
Năm 1877, Giám đốc Vườn thực vật Sài Gòn Pierre cho gieo thử một số hạt giống cao su mang về từ Singapore nhưng đều bị chết yểu hoặc không nảy mầm. Năm 1897, khi dược sĩ Raoul, mang hạt cao su có tên khoa học là Havea Brasiliensis về ươm ở vườn Thực Vật Sài Gòn với kết quả là 1.600 cây nảy mầm. Những cây giống này được mang đi trồng thực nghiệm ở hai vườn thực nghiệm do Toàn quyền Paul Doumer thành lập là vườn Ông Yệm (Thủ Dầu Một) do dược sĩ Raoul phụ trách, và Suối Dầu (Khánh Hòa) thuộc Viện Pasteur Nha Trang do bác sĩ A.Yersin phụ trách. Việc trồng cao su ở các vườn thí nghiệm đã thành công.
A. Yersin cùng với kỹ sư nông nghiệp Vernet đã nêu lên những căn cứ khoa học cho cách trồng tỉa và phương pháp lấy mủ cao su. Chính A. Yersin là người có tiếng nói quyết định trong việc tạo lập nền kỹ nghệ cao su ở Nam Kỳ.
Từ công trình nghiên cứu của Yersin, các nhà nông học Pháp đã tiếp tục nghiên cứu và kết luận miền Đông Nam Kỳ là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để cây cao su có thể phát triển một cách thuận lợi với 200.000ha đất đỏ bazan.
Người Pháp đã nhanh chóng áp dụng những thành quả đó vào việc kinh doanh cao su ở Đông Dương nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Kể từ đó, trồng và chế biến cao su trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời Pháp thuộc và tiếp tục phát triển đến tận ngày nay.
Đến 140.000ha đồn điền
Người Pháp, khi nhận thấy lợi nhuận thu gom, buôn bán sản phẩm nông nghiệp không lớn và không ổn định nên đã rất sớm chủ trương cướp đoạt đất lập đồn điền trồng lúa và cây công nghiệp, trong đó có cây cao su để khai thác lâu dài. Họ đã ban hành nhiều nghị định về đất đai nhằm hợp thức hóa việc chiếm đoạt ruộng đất.
Từ năm 1886, mỗi người Pháp có thể cấp không quá 10ha để làm nông mỗi lần xin. Nhưng từ các Nghị định ra ngày 6/10/1889 và ngày 15/10/1890 thì người Pháp được quyền xin và cấp mỗi lần 500ha. Vì vậy năm 1912, số ruộng đất bị Pháp chiếm để lập đồn điền lên đến 470.000ha, trong đó Nam Kỳ bị chiếm 308.000ha. Đến năm 1918, ở Nam Kỳ, tư bản Pháp đã chiếm 184.700 hecta, trong đó có 7.000 hecta trồng cao su và năm 1945, diện tích trồng cao là trên 140.000 hecta. Cùng với chiếm đất là quá trình hình thành các đồn điền cao su của người Pháp.
Năm 1898, ông Belland, lập ra đồn điền Phú Nhuận. Sau nhiều lần ươm, đồn điền của ông có 15.300 cây cao su đứng trên diện tích 45ha. Năm 1908, ông bắt đầu cạo mủ với 5.000 cây, bình quân 8 tuổi, đạt 1.500kg; năm 1911 là 10.000kg. Đồn điền có xưởng chế biến riêng xuất về thị trường Paris với giá từ 13 - 22,75 francs/1kg trong khi giá thành sản xuất khoảng 3 francs và phí vận chuyển khoảng 1 francs/1kg.
Năm 1904, ở Suối Dầu (Nha Trang), thực nghiệm của A. Yersin cũng có kết quả khả quan khi mỗi cây có thể cho 250g mủ khô, tổng thu được 100kg trị giá 1.000 francs.
Thành công của Belland và A. Yersin đã làm cho tư bản Pháp và chính quyền thực dân chú tâm nhiều về cây cao su, đặc biệt là ở Nam Bộ. Họ tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn cướp đất để lập thêm nhiều đồn điền. Cho đến năm 1945, đã có 10 công ty chuyên canh cao su của người Pháp, với một hệ thống đồn điền rộng lớn.
Trong đó, một số công ty có quy mô lớn như: Công ty Đồn điền cao su Đông Dương (Société Indochinoise Des Plantations d’ Hévéas - SIPH) thành lập năm 1906 đã nhanh chóng có hệ thống đồn điền gồm Dầu Giây, Cam Tiêm, Ông Quế, An Lộc, Đồng Hạp, Bến Củi, Gallia, Suzannah, La Souchère, Helena, Bình Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Cây Gáo, Hàng Gòn...
Từ 1914 đến 1945, họ tuyển mộ gần 350.000 dân phu, chủ yếu từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Số vốn ban đầu từ 30.000.000 đồng Đông Dương với 5.500ha đã nhanh chóng tăng dần lên đến 60.000.000 đồng Đông Dương với diện tích 9.900ha để thu về 10.000 tấn cao su khô mỗi năm.
Công ty đồn điền đất đỏ (Plantations des Terres Rouges - SPTR) thành lập năm 1908 đã liên tiếp lập ra các đồn điền lớn như: Xa Trạch (năm 1908) với 1.6135,5ha, Xa Cam (năm 1913): 3.100,63ha, Quản Lợi (năm 1916): 5.372,35ha, Xa Cát và sau đó mở rộng ra nhiều nơi khác ở Biên Hòa, Bà Rịa, sang cả Campuchia (Bình Chăn, Ngọc Bích, Ca Rết, Sa Mua), riêng đồn điền Chúp có đến 24.000ha; ở Java có 600ha; ở Malaysia có 2.994ha; Sumatra có 4.043ha.
Vốn đầu tư ban đầu là 2.300.000 francs, sau tăng đến 110.000.000 francs vào năm 1935. Công ty này có phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu chuyên canh và xưởng chế biến đặt tại tỉnh Thủ Dầu Một. Từ 1914 đến tháng 10 năm 1955 họ tuyển mộ 421.000 nhân công. SPTR là công ty lớn nhất ở Việt Nam, chiếm 35 - 40% sản lượng cao su toàn Đông Dương.
Công ty cao su Viễn Đông (Société des Caoutechoues d’extrême-orient - tên thường gọi là CEXO), ra đời năm 1911. Công ty này cũng lần lượt có đồn điền Lộc Ninh (gồm cả Bù Đốp) xây dựng năm 1911 với diện tích riêng ở đồn điền Bù Đốp là 810ha. Năm 1925, thêm đồn điền Xa Cát với diện tích 3.500ha. Năm 1927, mở tiếp đồn điền Minh Thạnh, diện tích 3.534ha và Đakia trên 10.000ha. Năm 1929, CEXO đã đầu tư xây dựng đường xe lửa Lộc Ninh - Sài Gòn dài 142km nhằm chủ yếu khai thác vùng cao su Bình Long và vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Vốn đầu tư ban đầu của CEXO là 1.500.000 francs (năm 1911), sau đó tăng dần và đạt 28.000.000 francs vào năm 1934.
Công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917, với các đồn điền lớn là Dầu Tiếng (khoảng 7.000ha), Phú Riềng và Thuận Lợi (khoảng 3.000ha). Công ty có nhà máy sản xuất tại chỗ săm lốp xe đạp, xe hơi. Năm 1943, Michelin chiếm 7% toàn bộ diện tích cao su khai thác và chiếm 11% tổng sản lượng toàn Đông Dương.
Công ty Cao su Đồng Nai (Le Caoutchouc du Dona, gọi tắt là LCD) thành lập từ năm 1908, với số vốn ban đầu là 500.000 francs. Năm 1911 vốn tăng 2.000.000 francs và năm 1919 là 6.000.000 francs. Năm 1938 LCD khai thác được 904 tấn mủ, năm 1939 là 1.184 tấn.
Công ty cao su Tây Ninh hình thành từ 1908. Từ 27ha cao su đầu tiên tại Vên Vên (Gò Dầu Hạ), sau đó có phát triển ra các đồn điền Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi với tổng diện tích 2.600ha.
Sở cao su Phước Hòa (Société des Caoutechoues de Phuoc Hoa), còn gọi là đồn điền Labbé bắt đầu khai thác từ năm 1927; năm 1933 có gần 2.000ha.
Ngoài ra còn có các sở cao su nhỏ của tư sản người Việt, người Hoa. Theo thống kê năm 1931 có khoản 60 chủ sở hữu người Việt Nam có dưới 100ha (tiểu điền), 12 sở có diện tích từ 100 - 499ha (trung điền), chủ yếu là của các nhà chức trách có quyền thế hoặc những người thân Pháp có thế lực.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, người Pháp ồ ạt tăng đầu tư vào các công ty cao su. Riêng Công ty đồn điền đất đỏ - SPTR có tổng số vốn đầu tư ban đầu là 2.300.000 francs thì năm 1923 tăng đến 36.000.000 francs, và năm 1935 đạt 110.000.000 francs. Theo đó, diện tích cũng tăng từ 7000ha năm 1918 lên 29.000ha năm 1921.
Sản lượng cao su năm 1945 là 80.000 tấn. Lợi nhuận thu được từ cây cao su rất lớn. Riêng Công ty cao su Xuân Lộc, năm 1937 đã thu lãi 4.193.000 francs và năm 1938 lãi 8.838.000 francs.
Lượng cao su xuất khẩu năm 1939 tăng gấp 7 lần năm 1928, giá trị đạt 96.000.000 francs và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương. Nếu năm 1936 chiếm 14,3%, thì năm 1939 lên tới 27,4%.
Không thể không lên án những chính sách cướp đoạt đất đai, bóc lột nhân công của tư bản Pháp, nhưng rõ ràng hoạt động của ngành kinh tế cao su đã là nhân tố quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển công thương nghiệp Việt Nam, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn khu vực phía Nam Đông Dương thời Pháp thuộc. Đó cũng là nền tảng cơ bản cho ngành cao su Việt Nam phát triển trong các giai đoạn kế tiếp và đến tận ngày nay.