Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người phố về quê “săn” sản vật Tết

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng Chạp, người dân từ các tỉnh lân cận lên TP mang theo những sơn hào hải vị, đặc sản quê để bày bán. Các siêu thị, chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ Minh Khai hay chợ hoa Hàng Lược luôn đông vui, ngập tràn sản vật từ khắp mọi miền Tổ quốc. Vậy nhưng những năm gần đây, người Hà Nội lại có nhu cầu “săn” hàng quê để ăn Tết như một thú chơi mới.

Không khó bắt gặp hình ảnh các xe chở đầy đặc sản quê lên TP.
Cất công sắm đồ
Người Hà Nội từ lâu xem Tết là dịp để “chơi”. Họ dành nhiều thời gian để khám phá, tìm tòi những cách “chơi” Tết mới. Nếu như một vài năm gần đây, người dân có trào lưu tự gói bánh chưng, vài nhà góp nhau “ngả” con lợn ra giữa sân để làm thịt, chia phần thì nay, người dân Hà Thành cầu kỳ hơn bằng việc về quê “săn” Tết. “Săn” không có nghĩa là về quê lùng sục, thấy gì hay, lạ mang lên xe chở về. Họ có sự chuẩn bị, tinh tế trong cách “săn” sản vật của quê hương.
Đầu tháng Chạp, anh Hoàng Thành An (Thanh Trì, Hà Nội) cùng hai người bạn ngược lên Tây Bắc, đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vào nhà người quen để “cắp” chú lợn bản về nhà. “Con lợn này được tôi đặt người quen nuôi từ trước để Tết. Lợn nuôi thân cây chuối, đồ ăn thừa của gia đình hoàn toàn sạch, thịt thơm, lại chế biến được nhiều món. Giá 200.000 đồng/cân hơi”- anh An cho biết.
Cũng vào dịp cuối năm, nhân dịp về tảo mộ, gửi Tết, bà Nguyễn Thị Hương Giang còn tranh thủ vòng qua chợ Hàng (Hải Hậu, Nam Định) để mua rau quả, gạo tám, bánh kẹo. Chợ Hàng dịp Tết có đặc điểm người bán không thích mặc cả. Bởi, hàng người dân mang ra chợ bán không nhiều, người xách con gà, người mang mớ rau, tải khoai, ngồi tụm vào một chỗ là thành chợ. “Nông sản ở quê không được đẹp mắt, bóng bẩy như ở chợ phố nhưng an toàn và rẻ, khi chế biến ăn thơm ngon. Tuy bán cho dân phố, người quê có nâng giá một chút nhưng so với mức giá ở TP thì vẫn rẻ. Hơn thế, nếu khách hàng có nhu cầu có thể vào tận vườn hái" – bà Hương Giang chia sẻ.
Ngoài thịt, rau, người phố còn về quê để “săn” rượu. Giáp Tết, căn bếp nấu rượu của anh Phạm Văn Hùng (Hải Hậu, Nam Định) lúc nào cũng tất bật, nhộn nhịp người ra vào. “Rượu nấu bằng gạo tám Hải Hậu nổi tiếng của Nam Định, thơm ngon, không cần phải pha thêm. Tôi nấu để làm cho năm sau, còn rượu để bán đã hết. Họ hàng trên TP hỏi mua vài chục lít rồi đánh một chuyến xe về mang lên, giá 20.000 đồng/lít” – anh Hùng cho hay.
Gom hàng quê tích trữ
Giáp Tết, những chuyến xe từ quê ngược lên Hà Nội lúc nào cũng chất đầy thực phẩm. Nào rau, nào gạo, có nhà mang cả lá dong, buộc cả chồng bánh chưng lên thùng xe để mang về Thủ đô. Nhiều người chia sẻ, Tết bây giờ chợ, siêu thị mùng Một đã mở cửa nhưng đắt, hàng lại không được tươi. Thế nên, người Hà Nội thường có thói quen tích trữ một ít đồ quê về để tủ lạnh ăn dần. Anh Phạm Văn Bằng (Bắc Ninh), chủ một hộ nuôi gà Hồ chia sẻ: “Tết có gia đình sẵn sàng chi vài ba triệu cho một chú gà Hồ để thắp hương gia tiên vào đêm Giao thừa, sáng mùng Một. Giống gà này ngoài lý do được yêu thích về chất lượng thịt, còn vì yếu tố tâm linh. Gà Hồ phải nuôi trong vòng một năm mới đủ lớn để bán. Vậy nhưng có người từ tháng 11 âm lịch đã xuống hỏi mua. Tôi từ chối bán vì gà chưa đủ cân nhưng họ vẫn nài nỉ mua bằng được, về nhà nuôi thêm để Tết đem đi biếu ông bà”.
Tuy nhiên, nhiều gia đình chăn nuôi lợn, gà ở quê cũng chia sẻ, không phải sản phẩm nào ở quê cũng giống nhau. Có người nuôi gà công nghiệp nhưng nuôi thả chạy bộ, tự tìm thức ăn, tự sinh tồn còn ngon hơn gà ta. Tuy nhiên, anh Bằng cho biết: “Mọi người nghĩ mang hàng từ quê lên là tươi ngon nhưng có nhiều khi rau được chuyển từ miền núi về đến Hà Nội, thời gian vận chuyển đã mất cả ngày nên chất lượng giảm đi. Có người mua gà công nghiệp, cho vào bao tải, buộc sau đuôi xe máy, đi vài chục cây số, gà gật gù chết từ bao giờ không biết”.
Người phố về quê, muỗi vo ve suốt đêm, ngai ngái mùi hôi từ chuồng heo, chuồng gà nhưng họ vẫn chấp nhận “săn” sản vật Tết. Một mặt, đây vừa là thú vui, thú “chơi” trong dịp Tết. Mặt khác, đó cũng là câu chuyện để những người phố hàn huyên, khoe nhau về hành trình “săn” đồ Tết. Ngoài ra, nhờ những đồ mua được từ quê, trên ban thờ thắp hương tổ tiên cũng có sản vật của quê hương, để người già, trẻ nhỏ lại cùng sum vầy, gia đình quây quần cùng nói chuyện về Tết xưa, Tết nay.