Giáo sư Đặng Đình Áng sinh năm 1926 tại Hà Tây.
Từ năm 1953 - 1955, ông học môn Kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại ĐH Kansas và nhận bằng cử nhân tại đó. Sau đó, ông vào Viện Công nghệ California (Caltech) và nhận bằng tiến sĩ với một luận án về giải tích và cơ học năm 1958.
Ông làm việc tại CalTech 2 năm rồi về nước năm 1960.
GS Đặng Đình Áng là nhà giáo có nhiều đóng góp cho ngành Toán học Việt Nam |
Ba năm sau, ông thành lập chương trình chứng chỉ sau đại học "toán học thâm cứu" (Mathematiques Approfondies). Ông làm trưởng ban cho đến năm 1975, sau đó ông làm Giám đốc Viện nghiên cứu Giải tích cho đến năm 1994.
Năm 1988, ông làm chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học TP Hồ Chí Minh.
Năm 1995 ông chịu trách nhiệm chính cho sự thành công của hội nghị toán học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút nhiều nhà toán học lớn đến từ Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Pháp.
Năm 1982, Giáo sư Đặng Đình Áng đã hướng dẫn bảo vệ thành công cho tiến sĩ toán học đầu tiên ở miền Nam. Ông cũng đã đào tạo được nhiều tiến sĩ toán học Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước.
Năm 1980, trong đợt phong học hàm đầu tiên sau khi Việt Nam thống nhất, ông được phong hàm Giáo sư cùng Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Phan Đình Diệu.
GS Đặng Đình Áng có hơn 130 bài báo trong lĩnh vực giải tích phi tuyến và cơ học được công bố trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước. Ông là tác giả của 6 sách chuyên đề trong giải tích và cơ học, trong đó có 1 quyển với tác giả nước ngoài do NXB khoa học Springer (Đức) xuất bản…
Không chỉ được biết đến trong lĩnh vực toán học, GS Đặng Đình Áng còn được biết đến như một nghệ sĩ thổi sáo (flute) tài hoa với nhiều CD nhạc hòa tấu thính phòng. Với ông, âm nhạc vừa là sự say mê, vừa là cầu nối văn hóa giao lưu với cộng đồng và thế giới.
GS Nguyễn Hữu Anh và GS Đặng Đức Trọng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) từng rút ra 4 bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của GS Đặng Đình Áng.
"Bài học thứ nhất là để thành công trong công việc gì, nhất là trong sự nghiệp cả đời, cần phải có quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng vẫn phải luôn tự đổi mới...
Bài học thứ hai là về quan điểm giảng dạy. Ngoài những kiến thức mới, thầy còn mang về một phương pháp học tập mới: đó là tự học và tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Các sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vừa đủ để tham gia nghiên cứu khoa học. Chỉ khi đã đạt mức độ sâu trong lĩnh vực nghiên cứu mới mở rộng hay chuyển sang lĩnh vực khác...
Bài học thứ ba là cách xử thế tuyệt vời. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp nhà nước, và đăc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuộc họp của Hội đồng ngành Toán. Mặt khác, thầy luôn luôn vun đắp và mở rộng các mối quan hệ bạn bè.
Bài học cuối cùng là nhân sinh quan lạc quan của thầy. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình" (trích từ bài viết Những bài học lớn từ thầy Đặng Đình Áng).
"Dù là một người hấp thu nền giáo dục phương Tây nhưng thầy Đặng Đình Áng vẫn nguyên vẹn một tâm hồn Việt với những bản sắc tốt đẹp nhất" - đây là những lời mà GS Dương Minh Đức (Chủ tịch Hội Toán học TP Hồ Chí Minh) dành cho vị Giáo sư tài hoa Đặng Đình Áng.