Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiên phong đưa nấm đông trùng hạ thảo về Gia Lâm sản xuất

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, sản phẩm thủ công đặc sắc mà những năm gần đây, Gia Lâm còn có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… Một trong những người tiên phong đưa nấm đông trùng hạ thảo về nuôi trồng, sản xuất ở Gia Lâm chính là anh Mai Văn Suất - một dược sĩ.

 Anh Mai Văn Suất trong khu trồng nấm linh chi
Sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Dược năm 2005, Mai Văn Suất (ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) vào làm cho một công ty dược, chuyên phân phối sản phẩm thuốc cho thị trường Hà Nội và vài tỉnh phía Bắc. 3 năm sau đó, anh trở về mở hiệu thuốc tại nhà. Hai vợ chồng rất tâm huyết trong việc tìm tòi, nghiên cứu các loại nguyên liệu sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. “Quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy điều kiện khó nhất để có nguồn nguyên liệu là diện tích đất trồng, thứ hai là cây giống” – anh tâm sự.
Vì thế năm 2017, vợ chồng anh bắt tay vào trồng nấm, bởi loại cây này cần ít đất. Lúc đầu, gia đình anh chỉ trồng nấm ăn như nấm mỡ, nấm sò…, tuy nhiên đầu ra bấp bênh, số lượng ít, không bảo quản lâu được. Anh liền chuyển sang trồng nấm linh chi, đồng thời tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật trồng nấm của Viện Di truyền Nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Qua trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, năm 2018, cơ sở sản xuất nấm Thanh Tùng do vợ chồng anh làm chủ đã ra đời tại thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.
Bằng sự kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, anh đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo. Từ năm 2019, cơ sở của anh bắt đầu cho thu hoạch. Hết lứa này đến lứa khác, nấm đông trùng hạ thảo của gia đình anh qua kiểm nghiệm đều đạt giá trị dinh dưỡng cao. Anh cho biết, loại nấm này đòi hỏi kỹ thuật khó hơn nhưng giá trị kinh tế cao hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, vận chuyển dễ.
Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh cho thu hoạch 3 - 5 tạ nấm linh chi khô, với giá bán từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/kg; riêng nấm đông trùng hạ thảo mỗi tháng cho thu hoạch 15 - 20kg khô, ngoài sản phẩm thô còn được chế biến dưới nhiều dạng sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo tươi (150.000 đồng/hộp 150 - 170g), đông trùng hạ thảo ngâm mật ong (600.000 đồng/hộp 380ml mật ong + 10g đông trùng hạ thảo); đông trùng hạ thảo khô (600.000 đồng/hộp 10g)… Sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Gia Lâm, ở một số hiệu thuốc, bán trực tiếp tại cửa hàng và trên nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, anh Suất còn liên kết với một số đơn vị sản xuất dược liệu để làm sản phẩm chế biến.
Năm 2020, cơ sở sản xuất nấm Thanh Tùng đã có 3 sản phẩm được UBND TP công nhận sản phẩm OCOP, gồm: Đông trùng hạ thảo tươi đạt 3 sao; đông trùng hạ thảo ngâm mật ong đạt 4 sao và đông trùng hạ thảo khô đạt 4 sao. Dự kiến trong thời gian tới, cơ sở sẽ đi sâu phát triển các loại nấm dược liệu, nhân rộng mô hình, chuẩn hóa quy trình, mở rộng thị trường phân phối trên cả nước và hướng tới thị trường nước ngoài.