Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 1

Hơn 35 năm nỗ lực, cống hiến cho ngành Y tế Thủ đô, điều khó quên với PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vẫn là công tác chống dịch Covid-19. Cuộc chiến thầm lặng, hy sinh ấy, đến nay đã mang lại thành quả nhất định, dịch cơ bản được khống chế.

 

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 2

Hà Nội, những ngày Thu sang, khi các ca Covid-19 thưa dần cũng là lúc PGS.TS Hoàng Đức Hạnh bận rộn với việc giảng dạy online bộ môn Dịch tễ tại các trường đại học ở Hà Nội, hướng dẫn sinh viên bảo vệ tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ… Thỉnh thoảng, ông dự họp giao ban của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội với vai trò là một chuyên gia y tế, vẫn vị trí đó, chiếc ghế đó, vẫn tại căn phòng đong đầy kỷ niệm, ghi dấu ấn 118 buổi giao ban của ông với nhiệm vụ báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 cho PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao danh hiệu
“Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 cho PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh. Ảnh: Thanh Hải
Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 3
Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 4

Trong tâm niệm của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô đặt ra những đặc thù, yêu cầu, thách thức riêng cho người làm nghề y. Trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) Nhân dân, nhất là việc phòng, chống dịch ở Hà Nội rất nhạy cảm và khó.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, việc phòng, chống dịch rất khác với công tác khám, chữa bệnh. Với phòng, chống dịch, bác sĩ phải xuống tận cơ sở, đến với từng hộ gia đình, người dân, đi vào tận ổ dịch để từ đó đánh giá được tình hình và đưa ra biện pháp. Điều này không chỉ đơn giản là xuống xem xét dịch bệnh mà còn có ý nghĩa CSSK cho cả cộng đồng.

“Với dịch sốt xuất huyết, chúng tôi phải vào tận ngõ ngách, leo lên trần nhà, chui vào từng bể nước ngầm của nhà dân để “tìm bắt” loăng quăng, bọ gậy. Rồi dịch tả, phải vào tận nhà vệ sinh của từng hộ gia đình để kiểm tra người dân xử lý ra sao. Nhưng có đi như thế mới thấy người dân còn khó khăn, vất vả nhiều lắm…” - PGS.TS Hoàng Đức Hạnh tâm sự.

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 5

Hướng ánh mắt xa xăm, vị PGS có mái tóc điểm bạc chia sẻ, thực sự, nếu không có những dịch bệnh lớn xảy ra thì ít khi những người làm công tác phòng, chống dịch được quan tâm, biết tới. Bởi công việc của họ vẫn luôn thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm với người dân, với cộng đồng. Đặc biệt, qua dịch Covid-19, giai đoạn đầu các trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 rất ít, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau này khi số ca tăng lên, trong đợt dịch thứ 4 Hà Nội có hơn 4.000 ca mắc Covid-19, hàng chục nghìn người được đưa đi cách ly, làm xét nghiệm. Công việc đó hoàn toàn được giao cho những người làm công tác dự phòng. Có những hôm phong tỏa tạm thời một khu vực, với nhiệm vụ cấp bách phải tập trung làm xét nghiệm nhanh chóng, anh chị em y tế dự phòng phải làm việc đến 1, 2 giờ sáng. Nhưng như vậy vẫn chưa xong, khi về, họ còn phải tiếp tục đóng gói vận chuyển, xét nghiệm, rồi mới được nghỉ ngơi.

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 6

 

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 7

Thực tế, với nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng như những người làm trong ngành y tế, áp lực, vất vả nhất vẫn là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Áp lực là do dịch Covid-19 kéo dài, liên tục, Hà Nội chịu áp lực từ thế giới, các tỉnh, thành trong nước. Hà Nội như “chỗ trũng”, xung quanh là dịch bệnh. Áp lực từ lãnh đạo, dư luận, Nhân dân nên so với các tỉnh khách, công tác phòng chống dịch ở Thủ đô đòi hỏi phải nhanh, phải công khai và minh bạch thông tin. Đến thời điểm này, chúng ta đã quen dần với dịch Covid-19.

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 8

Trong những năm công tác, ông Hạnh đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh khác nhau. Trong đó, phải kể đến dịch SARS năm 2003 rất kinh khủng vì nó lây qua không khí và, trường hợp nhiễm bệnh diễn biến rất nặng. Nhưng cũng rất may mắn, một thời gian sau thì dịch biến mất. Hay H5N1 cũng rất nguy hiểm nhưng sau virus biến đổi dần và trở nên lành tính. Sau đó đến dịch sởi, thực chất là phòng được do tiêm vaccine. Nhưng không có vaccine nào đạt 100% mà chỉ từ 70-95%, thực tế, nhiều người bệnh đã tử vong không phải do virus sởi mà là do biến chứng, làm cho bệnh diễn biến nhanh chóng. Điều quan trọng trong phòng, chống dịch là cắt đứt được mắt xích thì sẽ chặn được nguồn lây nhiễm.

Còn sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Hà Nội, hiện nay chưa có vaccine. Tất cả biện pháp đều áp dụng ở cộng đồng, tuy nhiên, hiệu quả cũng không thể đạt 100%. Nhưng hai năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát nên dịch sốt xuất huyết cũng đã giảm đi nhiều. Đây cũng là một may mắn vì Hà Nội đã tránh được tình cảnh “dịch chồng dịch”, bởi nếu xảy ra sẽ cực kỳ đáng lo ngại. 

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 9
Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 10

Còn với dịch Covid-19, hiện nay đã có vaccine. Tuy vaccine phòng Covid-19 có thể chưa bảo vệ được người dân như những loại vaccine khác nhưng cũng đã bảo vệ sức khỏe của người dân được 50-80%. Hiện nay, Việt Nam cũng như Hà Nội đã thay đổi, không thể nói “Zero Covid-19”, mà cộng đồng phải chấp nhận sống chung với virus, phải chủ động, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch như tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K. “Hà Nội ngay từ những ngày đầu đã rất chủ động và có sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời cùng các biện pháp linh hoạt, đã phát hiện sớm và truy vết nhanh chóng, làm đến nơi đến chốn. Vì vậy đến giờ này Hà Nội vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Hiện nay Hà Nội vẫn đang đi đúng hướng và chắc chắn. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi được hạn chế vì đây là dịch bệnh mới nên làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó” – ông Hạnh chia sẻ.

Cũng vì lẽ đó, trong những năm gắn bó với nghề, ấn tượng nhất với vị PGS vẫn là dịch Covid-19. Lần giở trong ký ức, nhớ lại những buổi “vi hành” xuống cơ sở, xem lại clip của anh em quay lại vào ban đêm, nhìn hình ảnh về những chiến sĩ áo trắng lao mình vào cuộc chiến chống Covid-19 tranh thủ chợp mắt ngay trên sàn gạch sau nhiều giờ làm việc kiệt sức với những bộ quần áo bảo hộ, nhất là giữa trời mùa hè nóng bức, ngột ngạt, khó chịu… mà vị PGS ở tuổi 60 không khỏi xúc động. “Anh em cơ sở vất vả lắm! Nhất là đợt đầu, anh em lên làm nhiệm vụ “đặc biệt” ở sân bay Nội Bài xuyên đêm tới sáng, có những y bác sĩ phải “đóng bỉm”, vì không thể cởi quần áo bảo hộ để đi vệ sinh khi đang làm nhiệm vụ, cởi ra là bị lây. Quả thực, ngành y tế quá vất vả. Thực tế, nhiều phường chỉ có 8 nhân viên y tế nhưng có tới 40.000 nhân khẩu, khi có dịch, cán bộ y tế làm không xuể nên địa phương phải có những biện pháp để giải quyết, với sự vào cuộc, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị… thì mới thành công” - PGS.TS Hoàng Đức Hạnh giọng trùng xuống nói.

PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Vất vả là thế nhưng không chỉ 2 năm qua mà trong suốt cuộc đời công tác, hình như ông chưa bao giờ nghỉ phép, hy hữu lắm khi có việc bắt buộc, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh mới xin nghỉ. Hầu như ngày nào, ông cũng đều ra khỏi nhà từ sớm và về nhà khi trời đã khuya. Có lẽ, đó là lịch sinh hoạt của hầu hết người làm công tác quản lý. Nhưng cũng thật may mắn khi ông có hậu phương vững chắc là người vợ hiền làm cùng ngành y, đảm đang, thay chồng gánh vác công việc gia đình, lo toan, vun đắp tổ ấm và hơn hết là sự chia sẻ, thấu hiểu những công việc thầm lặng mà ông và các đồng nghiệp vẫn đang ngày, đêm cống hiến.

Với những đóng góp cho ngành Y tế Thủ đô trong suốt hơn 35 năm qua, PGS.TS.TTND Hoàng Đức Hạnh đã vinh dự được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021.

Người trọn đời cống hiến thầm lặng cho ngành Y tế Hà Nội - Ảnh 11

09:30 14/12/2021