Vật tư y tế tồn kho sẽ chuyển về cho các bệnh viện
Chiều 14/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp để thông tin một số mặt của đời sống xã hội.
Nhiều vấn đề của ngành y tế TP Hồ Chí Minh được dư luận khá quan tâm, như: Hiện nay, một số tỉnh, TP có hiện tượng tồn vật tư y tế và thuốc điều trị Covid-19. TP Hồ Chí Minh có tình trạng này không? Số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại TP hiện nay có bao gồm số ca tái nhiễm không? Số ca tái nhiễm Covid-19 là bao nhiêu, chiếm tỷ lệ như thế nào trong tổng số ca? Tình trạng tái nhiễm nguy hiểm như thế nào?...
Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, về nguồn thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP có được từ 2 nguồn: Từ nguồn tài trợ, viện trợ được phân bổ từ Bộ Y tế như Remdesivir, Molnupiravir... là các thuốc đặc trị trong điều trị cho người mắc Covid-19. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và rất ít trường hợp chuyển nặng. Do đó, các thuốc này hiện vẫn đang còn tồn. Sở Y tế đã thống kê và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Nguồn thứ hai từ mua sắm tại các bệnh viện. Đối với các thuốc mua sắm trong phòng, chống dịch nếu sử dụng không hết các bệnh viện thương lượng với các nhà cung cấp nhận lại và cung ứng cho các đơn vị khác. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng hướng dẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chuyển cho các bệnh viện khác sử dụng nhằm mục đích tránh lãng phí.
Đối với trang thiết bị, vật tư y tế, trước tiên, ngành y tế xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty, mạnh thường quân trong thời gian chống dịch Covid-19 đã hỗ trợ kịp thời cho ngành y tế TP các trang thiết bị để phục vụ kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Sau khi dịch Covid-19 tại TP tạm thời được kiểm soát, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP kế hoạch giải thể các bệnh viện dã chiến theo lộ trình và tái cấu trúc các bệnh viện: Vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa sắp xếp thành lập các Khoa Covid trong bệnh viện. Song song đó, Sở Y tế cùng các bệnh viện thống kê và điều chuyển các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trước đây về lại các bệnh viện để vừa phục vụ công tác khám chữa bệnh thông thường, vừa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhằm tránh lãng phí.
Sẽ lập lại Trung tâm đấu thầu thuốc
Về các ca tái nhiễm, cũng theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, do thống kê các ca tái nhiễm không đầy đủ nên không thể công bố tỷ lệ cụ thể. Tuy nhiên, y văn thế giới đều cho biết, biến chủng Omicron có thể gây tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19 thể Delta, kể cả những người đã tiêm vaccine vì kháng thể đã giảm thấp sau một thời gian (thường là 6 tháng). Do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế và Sở Y tế TP khuyến cáo nên tiêm các mũi nhắc lại để duy trì nồng độ kháng thể trung hòa ở mức cao nhằm ngăn chặn trường hợp nhiễm đột phá của các biến thể mới, trong đó có BA.4 và BA.5.
Về việc lập Trung tâm đấu thầu thuốc và Trung tâm mua sắm hàng hóa thiết bị y tế, bà Quỳnh Như cho hay, Sở Y tế đã triển khai các hoạt động cần thiết cho công tác thành lập lại Trung tâm mua sắm hàng hóa ngành y tế TP đảm bảo quy trình quy định. Các hoạt động gồm: Thu thập thông tin về tình hình mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Tổng kết, đánh giá hoạt động của Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành Y tế TP. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức; Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế và ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ.
“Cho đến nay, Sở Y tế nhận được ý kiến đóng góp bằng văn bản của một số đơn vị liên quan và ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Nội vụ. Sở Y tế ghi nhận được một số ý kiến đóng góp như sau: Đa số các ý kiến đều đồng thuận với phương án thành lập lại Trung tâm mua sắm hàng hóa ngành y tế TP, nhằm khắc phục các khó khăn và bất cập của hình thức đấu thầu riêng lẻ, giảm được chi phí, thời gian, tạo được đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp và đặc biệt góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai, tăng hiệu quả kinh tế trong công tác mua sắm của ngành y tế. Sở Y tế tiếp thu và nghiên cứu hoàn thiện dự thảo và đã có tờ trình 4688 ngày 11/7 về việc ban hành quyết định của UBND TP thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa ngành y tế TP” - bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm.
Chưa có chứng cứ việc hoại tử xương hàm liên quan đến mắc Covid-19
Một vấn đề khác được người dân quan tâm trong những ngày qua là có nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng hoại tử răng, hàm, mặt có liên quan gì đến việc sau khi mắc Covid-19? Bà Quỳnh Như cho rằng, về các trường hợp hoại tử xương hàm phát hiện gần đây, y văn thế giới chưa ghi nhận, các nghiên cứu y học chưa có chứng cứ về vấn đề này. Tuy nhiên, để có định hướng để hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm cũng như nghiên cứu thêm về vấn đề này, Sở Y tế sẽ tổ chức hội thảo vào tuần sau.
Đối với tiền hỗ trợ cho 40.000 nhân viên y tế và các tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP đã có thư cảm ơn gửi đồng nghiệp đã kịp thời tiếp sức cho ngành Y tế TP chiến đấu với đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đồng thời, gửi lời xin lỗi từ đáy lòng đến với đồng nghiệp trên cả nước.
“Đến nay Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã gửi giấy khen cùng tiền thưởng đến khoảng 25.840 trên tổng số dự trù là 40.000 đồng nghiệp và tình nguyện viên trên cả nước thông qua chuyển phát nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế TP đã chuyển qua tài khoản của 176 đơn vị (Sở Y tế các tỉnh, thành; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Các trường học) và sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn tất việc gửi tiền thưởng trong tuần", bà Như nói..