Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người về hưu mong muốn tăng lương hưu 15% từ 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2024, dự kiến lương cán bộ, công chức, viên chức tăng khoảng 30%, nhiều người về hưu mong muốn được tăng lương hưu lên 15% để có thêm khoản tiền góp phần cải thiện đời sống.

Hai mức đề xuất tăng lương hưu 15% và 8%

Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 nêu rõ, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Người về hưu mong muốn tăng lương hưu 15% từ 1/7/2024 - Ảnh 1Người về hưu mong muốn được tăng lương hưu 15% từ 1/7/2024. Ảnh minh họa.

Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn phải gặp khó khăn, thiệt thòi sau cải cách.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, toàn ngành cần cố gắng tham mưu để mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15% so với mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5%. Khi thực hiện cải cách tiền lương, người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm không bị thiệt thòi. Đối với người có công, sau cải cách tiền lương sẽ được hưởng mức cao hơn bình quân.

Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính đến yếu tố trượt giá), đồng thời lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024. Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp. Vì căn cứ vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%. Đề xuất mức tăng này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi.

Mức tăng lương hưu 15% là phù hợp

Dư luận xã hội và nhiều người nghỉ hưu băn khoăn khi hai mức đề xuất tăng lương hưu 8% và 15% từ ngày 1/7/2024 có sự chênh lệch quá lớn. Những người hưu trí đang hưởng lương hưu thấp cho rằng, đề xuất tăng lương hưu 8% khó cải thiện mức sống nhất là trong tình hình giá các mặt hàng tăng. Ông Ng.Tr.B., cán bộ hưu trí ở huyện Ba Vì chia sẻ: “Trước đây tôi làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, tham gia bảo hiểm xã hội 21 năm, lương hưu 1,9 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo đời sống, vợ chồng tôi nuôi gà, cấy 1 sào ruộng lấy lúa ăn, các con hỗ trợ thêm. Nguyện vọng của tôi là tăng lương hưu 15% như ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bởi từ 1/7/2024, khi công chức, viên chức được tăng lương thì giá cả thị trường lại leo thang”.

Trước việc Bộ LĐTB&XH có ý kiến tăng lương hưu 15%, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng lương hưu 8%, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Ý kiến mỗi bên đều có cơ sở. Bộ LĐTB&XH muốn mức tăng cao hơn vì lương hưu thấp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội nhưng từ trước đến nay đều điều chỉnh lương hưu ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng lương của cán bộ công chức, viên chức. Cho nên, tới đây, cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao.

Nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐTB&XH cho biết: Về nguyên tắc, tăng lương hưu từ 1/7/2024 phải đặt trong mối quan hệ với mức lương thấp nhất của công chức, viên chức nhưng cũng cần tính đến khả năng nguồn ngân sách và quỹ bảo hiểm xã hội. Mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1.800.000 đồng. Sắp tới thực hiện cải cách tiền lương sẽ bỏ mức lương cơ sở, cho nên theo xu hướng lương hưu thấp nhất bằng lương tối thiểu bình quân 4 vùng. Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh 8% là rất thấp, không bằng mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng hiện nay, sẽ gây hụt hẫng cho những người hưởng chế độ hưu trí. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nếu Bộ LĐTB&XH đưa ra mức tăng lương cán bộ công chức, viên chức là 23,5% thì đề xuất tăng lương hưu 15% là phù hợp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu 8% thì quỹ bảo hiểm xã hội đỡ hơn nhưng tạo ra khoảng cách lương của người về hưu trước và người nghỉ hưu sau cải cách tiền lương ngày càng doãng ra. Từ nhận định này, ông Phạm Minh Huân cho rằng cần phải cân nhắc với mức đề xuất tăng lương hưu. Mức tăng như đề xuất của Bộ LĐTB&XH phù hợp hơn với nguyện vọng của người nghỉ hưu nhưng quỹ bảo hiểm xã hội phải tăng nhiều hơn số tiền chi trả.