Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt đang phớt lờ các dấu hiệu sớm ung thư đại trực tràng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Đặc biệt, tại Việt Nam tỷ lệ trẻ hóa bệnh này ngày càng gia tăng và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt, nhưng nhiều người đang phớt lờ các dấu hiệu sớm của bệnh.

Hàng nghìn ca tử vong do ung thư đại trực tràng
GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư cho biết, theo Globocan (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu), hàng năm có hơn 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng. Với ung thư não và các khối u hệ thần kinh trung ương có hơn 3500 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong. Các khối u tế bào đệm chiếm 50-60% trong tổng số các khối u não nguyên phát, u màng não chiếm 25%, u bao sợi thần kinh chiếm 10% và còn lại là các khối u thần kinh trung ương khác.
Trong khi, năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca mắc mới ung thư, trong đó có 115.000 ca tử vong. Tại Bệnh viện K T.Ư, mỗi tháng chẩn đoán mới khoảng 200 ca và trung bình mỗi năm có khoảng 2.400 người bị ung thư đại trực tràng. Hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám ở giai đoạn muộn (giai đoạn tiến triển 3-4). Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều. “Bệnh này ngày càng trẻ hóa và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt như: Lười vận động, ăn uống ít rau, củ, quả, ăn nhiều mỡ, thịt, thức ăn nhanh, thực phẩm nướng, nhiều muối… “-GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Theo người đứng đầu bệnh viện, nhiều nghiên cứu cho thấy, người có hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người ít vận động. Ngoài ra, người có chế độ ăn hơn 800 gram rau, củ, trái cây mỗi ngày làm giảm 0,74 lần nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người tiêu thụ ít hơn 200 gram/ngày. Điều đáng nói, là người Việt dù sống ở nước nhiệt đới nhiều rau trái, nhưng lượng rau bình quân sử dụng lại không tăng trong 30 năm qua, và luôn ở ngưỡng xung quanh 200 gram/người/ngày.
Tỷ lệ bệnh trẻ hóa gia tăng
Trong khi đó, TS Phạm Văn Bình- Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh, khoa từng phẫu thuật cho bệnh nhân mới 10, 12 tuổi.
Đơn cử, trường hợp bé trai (9 tuổi 3 tháng) ở Lào Cai được phẫu thuật năm 2018, vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn T4B. Hay cuối tháng 4/2019, Bệnh viện K tiếp nhận bệnh nhân Trần Thanh H. (12 tuổi), quê tại Thái Bình. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức bụng khó chịu, sau khi thăm khám và chỉ định chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả cho thấy tổn thương u đại tràng trái, kích thước 4 x5cm, phá vỡ thanh mạc trên đại thể, u chít hẹp gần hoàn toàn lòng đại tràng. Bệnh nhân H. đã được bác sĩ khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K phẫu thuật cắt đại trực tràng, loại bỏ hoàn toàn khối u.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác. Vì thế, người dân cần tầm soát bệnh khi có các dấu hiệu: Đó là tình trạng đau bụng. Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.
Hay đó là rối loạn tiêu hóa kéo dài (ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng…). Người bệnh có thể bị thay đổi thói quen đi đại tiện khiến người bệnh buồn đi đại tiện nhiều hơn và có thể đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể. Cùng đó, người bệnh có thể bị giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện thể dục hay ăn kiêng. Do vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần đến thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
“Người dân cần có những quan tâm đúng mức nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư, từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị. Từ đó, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư”- chuyên gia khuyến cáo.