Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm, người tiêu dùng trong nước tiêu thụ khoảng 5,4 triệu tấn thịt các loại, trong đó, riêng khối lượng thịt lợn đã lên tới 3,8 triệu tấn (chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ của người Việt).
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, tổng đàn lợn so với cùng kỳ năm 2018 hiện đã giảm tới 5,5%. Giá lợn hơi tại cả nước đều giảm, trong khi miền Bắc chỉ còn từ 28.000 – 33.000 đồng/kg, thì tại miền Trung và miền Nam cũng chỉ còn 32.000 đồng/kg. Việc giá lợn và tổng đàn giảm hiện chưa tác đông nhiều tới nguồn cung, tuy nhiên, theo ông Đông, sức ép những tháng cuối năm sẽ rất lớn.
Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất Chính phủ cơ chế thực hiện là cấp đông thịt lợn. Đây được xem giải pháp phù hợp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội - môi trường, và cần làm ngay. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khiến các doanh nghiệp không mặn mà.
Theo đó trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Trước mắt, khi chưa có cơ chế, Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các chính sách hiện có để hỗ trợ các DN thực hiện cấp đông thịt lợn. Đồng thời, xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và dịp Tết nguyên đán.